Bốn ngày thủy thủ tàu sân bay Mỹ ở Đà Nẵng
Trưa 9/3, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đã nhổ neo rời cảng Tiên Sa, kết thúc chuyến thăm hữu nghị 4 ngày tại TP Đà Nẵng. Do điều kiện thời tiết bất lợi, trên biển có sóng và gió lớn nên nghi thức tiễn đoàn phải cắt giảm.
Nhiều quan chức ngoại giao Việt Nam và thành phố Đà Nẵng đã ra bắt tay, tiễn Đoàn hải quân Mỹ ở cầu cảng Tiên Sa. Một số người dân và du khách đứng trên cầu Thuận Phước (cửa sông Hàn) hoặc men theo con đường quanh bán đảo Sơn Trà, dùng ống nhòm để chiêm ngưỡng "thành phố nổi" đi qua phao số 0.
"Ngày lịch sử"
USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam kể từ năm 1975. Chiều 5/3, sau khi đặt chân lên đất liền ở Đà Nẵng, Chuẩn Đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến, chia sẻ: “Hôm nay là một ngày lịch sử và chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu tại đây”.
Ngài Philip G. Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Đề cập đến "tầm nhìn trong những năm tới cho mối quan hệ giữa hải quân hai nước?", Phó Đô đốc Philip G. Sawyer - Tư lệnh Hạm đội 7, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói: "Tôi mong muốn hải quân hai nước sẽ có những mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn. Tới đây, chúng ta sẽ cùng hợp tác trong chương trình đối tác xuyên Thái Bình Dương".
Ông Philip Sawyer cũng bày tỏ mong muốn một ngày nào đó hải quân Mỹ có thể mang tàu ngầm đến thăm Việt Nam.
Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết chuyến thăm của tàu sân bay Carl Vinson đến Việt Nam thể hiện rằng Washington ủng hộ một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và thịnh vượng.
'Chúng tôi đến để xây dựng lòng tin'
5 ngày đến Đà Nẵng, đoàn 6.500 thủy thủ của Hải quân Mỹ tập trung vào trao đổi chuyên môn kỹ thuật với ngành điện, y tế, phòng cháy chữa cháy, và tham gia các hoạt động cộng đồng. Nữ ca sĩ Emily Kershaw của Hạm đội 7 đã hát gần hai giờ đồng hồ bên công viên Biển Đông trong sự cổ vũ của khán giả Việt.
"Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể đến gần nhau, cùng hát, chia sẻ văn hóa thông qua bài hát Nối vòng tay lớn. Với tôi, ý nghĩa tên bài hát cũng chính là sự gắn kết giữa hai nước Mỹ - Việt Nam và tôi muốn hát vì điều đó", Emily nói về lý do thể hiện bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tiếng Việt.
Trưa ngày 7/3, đoàn thủy thủ tàu sân bay USS Carl Vinson đến vui chơi với trẻ em nhiễm chất độc da cam Đà Nẵng.
"Việc hợp tác giữa hai nước không chỉ là mang một con tàu đến cập cảng mà quan trọng hơn là việc các thuỷ thủ được đến gần với người dân Việt Nam, cùng xây dựng lòng tin lẫn nhau. Tất cả nhằm nỗ lực xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và tái khẳng định những cam kết của Hoa Kỳ với Việt Nam về lâu dài", ông Timothy - Phó tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM nói.
"Mình tên gì nhỉ? Nguyễn Bông đúng không?", Lý Lâm Phong ngơ ngác hỏi các bạn xung quanh để giới thiệu về chính mình. Nhiễm chất độc da cam từ cha mẹ, thậm chí từ ông bà đã khiến nhiều đứa trẻ ở đây bị hạn chế về suy nghĩ, ngôn ngữ, vận động.
Phong ngồi trên bàn học, nằng nặc ép bàn tay của thủy thủ Marcelo xuống tờ giấy trắng để mình cầm bút sáp vẽ quanh đủ hình 5 ngón tay mới dừng lại, tỏ vẻ thích thú. Cách nhau chừng vài tuổi, nhưng Phong giờ mới chỉ học ngang lớp hai, khuôn mặt thanh niên. Còn Marcelo to lớn gấp bốn lần Phong, trắng trẻo, điển trai. Cuộc đối thoại giữa họ không bằng ngôn ngữ, mà bằng ánh mắt.
Từng đi qua trận chiến, Đại tá Tô Năm - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng tâm sự, dù với tư cách cá nhân hay đại diện cho nhà nước, thì những thủy thủ đến với các nạn nhân da cam đã bày tỏ sự chân tình.
USS Carl Vinson là siêu tàu sân bay lớp Nimitz thứ ba của Mỹ, đặt theo tên nghị sĩ Carl Vinson để ghi nhận sự đóng góp của ông cho hải quân Mỹ. Tàu được hạ thủy năm 1980 và đi vào biên chế sau đó hai năm. Tàu có lượng giãn nước 103.000 tấn, dài 333 m và rộng 77 m, đủ sức chở theo tối đa 90 máy bay các loại.