Liên quan việc thu phí đỗ xe dưới lòng đường khu vực trung tâm đang gặp nhiều bất cập, bị thất thu đến 60%, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa yêu cầu các đơn vị liên quan chấm dứt ngay tình trạng nhân viên "nộp tiền hộ" tài xế chưa có phần mềm tính phí.
Động thái này được lãnh đạo thành phố đưa ra căn cứ trên Nghị quyết của HĐND thành phố quy định: chủ ôtô không sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh thì không được phép đỗ xe dưới lòng đường (đối với các tuyến đường có thu phí) mà phải gửi xe trong các bãi hoặc tầng hầm chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại.
Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị của thành phố khẳng định, vỉa hè và lòng đường phải phục vụ giao thông. Trong khi chưa cấm được triệt để, thành phố phải đứng ra thu tiền nhằm chấm dứt tình trạng băng nhóm thâu tóm, loạn giá giữ xe.
"Thành phố không khuyến khích nên không đặt nặng vấn đề thu ngân sách, không cần 'thu hộ' cho đủ chỉ tiêu. Xe nào không đáp ứng được công nghệ không được phép đậu xe trên các tuyến đường này", ông Tuyến nói và yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo nguyên nhân tình trạng thu không triệt để tại từng tuyến đường, có tiêu cực hay do nhân viên chưa dám làm quyết liệt... để đưa ra giải pháp chấn chỉnh.
Trước đó, báo cáo UBND TP HCM, Sở Giao thông Vận tải cho biết, sau 20 ngày áp dụng thu phí đỗ ôtô theo giờ ở 23 tuyến đường (quận 1, 5 và 10) đã hạn chế tình trạng xe đậu "chây ì". Mức phí cao đã tác động khá nhiều đến người dân, cân nhắc việc sử dụng ôtô cá nhân đi vào trung tâm thành phố, hay chuyển qua phương tiện khác. Những tuyến đường có thu phí vì thế đã thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, Sở cũng nhìn nhận hình thức thu phí theo giờ đang gặp nhiều bất cập, kinh phí dự trù chưa đạt yêu cầu. Tổng kinh phí thu được trong những ngày qua chỉ 220 triệu đồng, tức mỗi ngày thu khoảng 11 triệu - thấp hơn nhiều so với dự trù ban đầu và chỉ tương đương với mức phí thu theo lượt (5.000 đồng) như trước.
Tỷ lệ thất thoát đang rất lớn, lên tới 50-60%. Nguyên nhân được cho là, nhiều tuyến đường có lượng ôtô đậu nhiều nhưng nhân viên không thu phí, hoặc xe vào đậu nhưng nhân viên không có hoặc khi tới thu thì tài xế đã bỏ đi. Phầm mềm thu phí và thiết bị cung cấp cho nhân viên ở một số thời điểm bị trục trặc.
Tình trạng khác là nhân viên giữ xe "thu tiền hộ" tài xế chưa có phần mềm tính phí (không hướng dẫn các thủ tục gửi xe, cách thức sử dụng phần mềm), không xé vé... Ngoài ra, nhân viên chỉ làm việc giờ hành chính, trong khi quy định việc thu phí diễn ra từ 6 đến 24h mỗi ngày.
Từ tháng 8 thành phố triển khai thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường 23 tuyến ở khu vực trung tâm. Trong đó, quận 1 có 13 tuyến, quận 5 có 4 tuyến, còn lại là ở quận 10.
Những phương tiện được phép đỗ tại các tuyến đường này là ôtô từ 16 chỗ trở xuống hoặc xe tải 1,5-2,5 tấn. Mức phí tăng ít nhất 20.000-30.000 đồng mỗi giờ cho mỗi lượt xe, thay vì chỉ 5.000 đồng như trước.
Việc thu phí thông qua hình thức công nghệ mới. Người có nhu cầu gửi xe phải sử dụng ứng dụng My Parking trên điện thoại thông minh.
Trong quá trình thực hiện, Sở Giao thông Vận tải là cơ quan đầu mối, Viettel TP HCM là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí. Công ty này cũng có chức năng quản lý giám sát, điều hành việc thu phí cho đến khi thành phố hoàn tất công tác đấu thầu dịch vụ thu phí (dự kiến quý I năm 2019).
Hữu Nguyên