Một nhóm khai thác xá xị thường có 6 người, 5 người chuyên hạ cây, đào gốc, băm rễ. Người còn lại chọn nơi gần sông suối để đào lò chế biến tinh dầu. Lò được đào giống như bếp Hoàng Cầm, đặt hai nồi nhôm có ống thông để chưng cất. Triết, một chủ khai thác người Quảng Bình, cho biết cứ 1 tấn gốc, rễ xá xị đã băm chặt cất được 20 lít tinh dầu và phải đốt hết đến 4 khối củi. Hầu như cứ 2 ngày họ đều đặn xuất được 20 lít.
Cây re hương có tên khoa học là Cinnamomum parthenoxylon Meisn, thường phân bổ ở các vùng rừng nhiệt đới Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Tại Việt Nam, re hương có mặt ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và tập trung khá nhiều ở rừng Bình Thuận. Cây cao khoảng 50-60 cm, tròn thẳng. Vỏ màu xám nâu, hoa lưỡng tính, lá đơn nguyên mọc cách. Gỗ có vân đẹp, mịn đều. Đặc biệt phần rễ cho loại tinh dầu, nguyên liệu chế biến nước giải khát đang bán phổ biến trên thị trường. |
Mỗi lít tinh dầu bán tại chỗ được 75.000 đồng, mang ra cửa rừng giá dao động 80.000-82.000 đồng. Bình quân mỗi người kiếm được 100.000 đồng/ngày. Chính thu nhập không nhỏ từ hương liệu rễ cây xá xị mà mỗi ngày có hàng trăm người đổ xô vào rừng tàn sát hàng nghìn cây các loại. Minh, 24 tuổi, người trẻ nhất trong nhóm của Triết, tâm sự: "Tôi có hơn 5 năm làm nghề này, đạp hết rừng Bắc Trung Bộ đến đây bây giờ mới thấy mỗi năm một khó khăn thêm vì loài cây này gần như sắp hết".
Rừng Bình Thuận hiện đã bị cát cứ, chia ô, mỗi nhóm lâm tặc cai quản một phần. Ngay tại dốc đầu tiên, chuẩn bị vượt qua đèo Gió Lạnh là một tảng đá hoa cương to đùng án ngữ. Trên đó là dòng chữ in viết nắn nót bằng sơn đỏ: "Khu vực lò ông Cường", phía dưới là hình đầu lâu hai xương chéo. Nguyễn Văn Cường, một lâm tặc, đã chính thức thông báo sự có mặt của mình và sẽ là nguy hiểm chết người nếu toán nào xâm phạm lãnh địa của anh ta.
Hiện nay, tại rừng Bình Thuận có khoảng vài chục nhóm khai thác tinh dầu xá xị. Ngoài nguy cơ tuyệt chủng loài cây này, một phần quan trọng khác là vô số hầm hố do những kẻ khai thác rễ re hương để lại, nếu gặp mưa nguồn sẽ tạo thành những dòng chảy lớn, xé nát thảm thực vật quý hiếm của rừng.
(Theo Tuổi Trẻ)