Ngày 29/9, Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) tiếp nhận cá thể rùa nặng hơn 15kg từ hộ dân ở xã Thanh Tùng (Thanh Chương). Rùa được người dân phát hiện bò ngang đường xóm Minh Đường (xã Thanh Tùng) cách đây một tuần.
Thấy mai rùa có nhiều vân vàng, người dân nghi là rùa quý nên liên hệ với cơ quan chức năng địa phương tìm hướng xử lý. Nhà chức trách xác định trước đó cá thể rùa này hai lần được người dân Thanh Chương bắt giữ, sau đó thả về tự nhiên và nó tiếp tục bò lên đường.
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho hay, qua nhận dạng trực tiếp và căn cứ vào tài liệu thì đây là rùa răng, có tên trong sách đỏ Việt Nam ở mức độ bị đe dọa tuyệt chủng, cấm săn bắt triệt để. Loài này phân bố tại các tỉnh Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau (Việt Nam); Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia.
"Rùa có thể được một người nào đó đưa từ nơi khác về phóng sinh nhưng không đúng vùng sinh sống. Vài tuần tới Vườn quốc gia Pù Mát sẽ chuyển rùa cho Trung tâm cứu hộ Vườn quốc gia Cúc Phương, sau đó tiếp tục đưa vào Nam để thả về tự nhiên", ông Cường nói.
Hiện rùa được cán bộ ở Pù Mát chăm sóc, sức khoẻ tốt.
Rùa răng có đặc điểm nhận dạng: Cơ thể lớn, chiều dài mai tới 470mm. Có mỏ làm thành 2 mấu nhọn hình răng ở hàm trên. Mai phồng, thuôn dài, bờ sau mai không có răng cưa. Bờ trước yếm lồi, bờ sau yếm khuyết, bờ bên phần sau yếm thẳng. Chân dẹp, ngón chân có màng da. Mai màu nâu thẫm hay đen. Đầu xám có những vết đốm đen và vàng, hàm màu vàng...
Rùa sống ở kênh rạch, ao hồ, đầm lầy, kể cả ruộng lúa nước nơi có dòng chảy chậm. Rùa ăn thực vật thủy sinh; trong điều kiện nuôi còn ăn quả và các loại rau. Rùa đẻ trứng vào tháng 12 - 1 năm sau. Mỗi lứa đẻ 4 trứng có vỏ vôi… |