Anh Minh sống ở Hà Nội đã 10 năm, nhưng vẫn chưa nói sõi tiếng Kinh.
Công việc chính của Minh không cho anh nhiều cơ hội để học tiếng Kinh: anh là một công nhân dọn rác dưới hầm chung cư. Ngăn cách giữa người đàn ông dân tộc Tày và đời sống xã hội là những tấm bê tông dày trên đầu. Kết nối đáng kể nhất giữa anh và những cư dân thành phố này là một chiếc ống rác thông tầng. Người ta ném rác vào ống, Minh thu dọn ở phía dưới, cho lên xe và đẩy đi.
Tên Minh được bố anh đặt với ước mong đời con trai sẽ "tươi sáng", nhưng thực tế, ánh sáng chủ yếu của đời anh là chiếc đèn vàng vọt trong hầm rác. Chàng trai quê ở Hà Giang, năm ấy lọt vào mắt xanh của cô gái người Nam Định rồi thành vợ chồng. Ở vùng biên phải chạy ăn từng bữa, họ phiêu bạt đến Hà Nội đi nhặt rác.
Đó là chân dung tiêu biểu cho một lực lượng vẫn đang là xương sống cho hoạt động thu gom rác tại các đô thị lớn của Việt Nam - nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới.
Đêm 8/3, ông Năm trở về phòng trọ muộn. Đóa hồng nhung giắt giỏ xe đạp, chen giữa lỉnh kỉnh túi đựng chai nhựa treo ở tay cầm.
Xóm trọ nép sâu sau hàng loạt ngõ ngách, lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng của khu Trung Văn. Ở cuối xóm, là nơi ông Năm sống với người phụ nữ của đời mình. Đóa hồng có giá ba lăm nghìn đồng. Đếm đi đếm lại số tiền bán phế liệu một ngày được hai tám nghìn, ông phụ thêm bảy nghìn để mang hoa về tặng vợ.
Nhà ông bà là một cái ổ chuột trong khu ổ chuột, quây tạm bằng những tấm fibro xi măng, liếp, vá víu bằng ván gỗ, bao bì. Khu nhà trọ mọc lên giữa khu đất chưa xây dựng, là xóm ngụ cư của hơn 30 gia đình, từ công nhân vệ sinh, đồng nát, xe ôm đến thợ phá nhà.
Bà Tươi vẫn chưa về. Bông hồng được ông Năm cắm vào cái cốc nhựa, rồi đi ngủ.
Hôm đó, vợ chồng ông không nhìn thấy mặt nhau. Ngày lễ, lượng rác phải thu gom tăng gấp đôi, bà Tươi trở về nhà muộn khi đồng hồ nhích sang ngày 9/3 đã vài tiếng.
Ông Năm vẫn nhớ cái cảm giác lờm lợm nơi cổ họng khi lần đầu tiên gom rác về điểm tập kết. Giữa cái nắng tháng Bảy năm ngoái, mắt ông hoa lên khi cái bịch nylon màu đen bị bục, một vài thứ nhầy nhụa tuôn ra, mùi khó tả của rác lưu cữu xông lên mặt, lên mũi.
Đêm đó về, ông bỏ cơm, nằm thừ trên giường, vẫn ngửi thấy mùi rác quẩn quanh nơi cánh mũi. "Ở quê làm ruộng, quen mùi bùn, thò tay rải phân, đổ ải cũng chưa bao giờ gặp thứ mùi như thế", ông tả. Hai tháng đầu, đôi bàn tay bóc da liên tục, về rửa xà phòng mấy lượt vẫn còn mùi. Giờ thì quen rồi, ông có thể chui vào hốt sạch hầm rác của khu chung cư hơn nghìn dân mà không cảm xúc.
Hai sào ruộng quê không nuôi nổi bốn miệng ăn, tháng 7 năm ngoái, vợ chồng ông dắt díu từ Nam Định lên Hà Nội xin làm công nhân vệ sinh môi trường. Làng Thanh Trà, xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường quê ông, người ta lũ lượt lên Hà Nội làm nghề này. Họ ở thành từng xóm lao động giữa thủ đô, trong khu Hoàng Cầu, Trung Văn.
Công ty môi trường nhận hồ sơ của bà Tươi, người phụ nữ đậm người, nói năng lanh lẹ. Còn ông chồng chấp nhận trở thành "công nhân nước hai".
Mỗi khi công nhân môi trường "chính quy" có việc về quê, muốn nghỉ một vài hôm, họ sẽ gọi ông Năm đi làm hộ. Tiền công họ đưa trực tiếp cho ông Năm, không liên quan gì đến công ty. Không hợp đồng, không BHXH, không trợ cấp, ông cầm tiền tươi, như một cửu vạn tự do. "Chân trong chân ngoài vậy mà tiện" - ông tỏ ra hài lòng.
Một trong những đặc tính quan trọng của ngành xử lý rác Việt Nam, như hầu hết các nước thu nhập thấp, theo Ngân hàng Thế giới là chi phí quá lớn cho thu gom và vận chuyển.
Phần lớn các nước thuộc nhóm thu nhập thấp tiêu tới hơn 80% tổng chi phí cho việc thu gom, chỉ còn 20% cho xử lý rác. Nhưng chi phí cao cũng không đảm bảo hiệu quả: chỉ 46% lượng rác thải được thu gom đến đúng địa chỉ. Lý do quan trọng, là do nó được thực hiện thủ công bởi "tiếng chổi tre" của những người như vợ chồng ông Năm.
Trong khi đó, tại các quốc gia có thu nhập cao, thì chi phí thu gom chiếm không tới 10% - do quy trình gom rác đã được tự động hóa. Và hiệu quả thu gom đạt tới 90%.
Trong bài toán tỷ đô của ngành môi trường Việt Nam, bông hồng ngày 8/3 bị bà Tươi phàn nàn là tốn kém. Bà nhẩm tính, 35.000 đồng mua được cái bắp cải với ba lạng thịt ở chợ Phùng Khoang. Với bà, món quà cho ngày Quốc tế phụ nữ, chỉ là mong muốn có thêm một bữa cơm có thịt.
"Thì cũng phải tặng cho có tí không khí chứ", ông Năm vặc lại vợ.
Nửa thế kỷ kể từ sau khi "tiếng chổi tre quét rác đêm Hè" được Tố Hữu biến thành biểu tượng, công việc thu gom rác tại các đô thị vẫn trông chờ một phần lớn vào lực lượng chân tay "như sắt như đồng", như ông Năm và bà Tươi. Hay anh Minh, người dành cả thanh xuân để học tiếng Việt dưới hầm rác chung cư.
Minh ngại giao tiếp. Anh nói tiếng Kinh không sõi, dù đã xuống Hà Nội mười năm. Minh không nhớ số tuổi hai đứa con trai, cũng không nhớ mình nghỉ học từ năm lớp mấy. Anh chỉ nhớ cả hai đứa trẻ đều bỏ học sớm như bố nó, giờ ở nhà chơi, thi thoảng phụ mẹ đi gom rác, mang phế liệu về.
Sau lớp khẩu trang, Minh không có nhiều dịp giao tiếp. Công việc của "công nhân nước hai" như anh Minh giờ là gom rác từ hầm chứa của tòa nhà gần 20 tầng trên phố Hoàng Đạo Thúy. Người đàn ông chấp nhận chui vào hầm nóng, ngạt thở vì mùi rác nhưng nhiều "hàng" hơn ở ngoài và không bị ai tranh nhặt trước. "Hàng" là những loại chai lọ nhựa mà cư dân vứt lẫn trong rác.
Sau mười năm, nghề nhặt rác đã thành gia truyền. Bốn người trong nhà cùng một sự nghiệp. Hai đứa trẻ con lớn lên trong môi trường đặc thù của những hầm rác, đã quen thuộc và quấn quít với nơi này.
Buổi sinh hoạt gia đình diễn ra lúc bảy giờ tối. Ngày anh Minh đi vắng, chị Nhụ phụ trách hai nhân sự thiếu niên. Mẹ và con trai lớn hốt rác phía trong, thằng em đeo đôi găng tay nylon đứng đợi sẵn bên ngoài. Nó có nhiệm vụ phân loại những thứ bay ra khỏi hầm: túi này đựng bìa carton, giấy, vỏ hộp bánh; túi kia chứa chai, lọ nhựa, vỏ lon bia.
Riêng mấy cái chai thủy tinh có dán nhãn, bên ngoài in chữ không phải tiếng Việt, giông giống nhau được nó để chung một hàng.
Mẹ vẫn hay bán 30.000 đồng một cái vỏ chai ấy. Thằng bé phấn khởi xếp lũ chai vào một cái túi đen. Vỏ chai rượu ngoại hết ruột từ lâu đã là hàng có giá ở Việt Nam. Chúng được dùng cho việc "sưu tầm" hay là để đổ ruột mới vào bán tiếp, không thuộc chức trách của gia đình Minh Nhụ. "1,2,3,4,5", thằng cu đếm vỏ chai, cười không khép được mồm.
Hai xe rác đầy đến mép, chị Nhụ vừa đẩy ra ngoài thì nghe cái "bịch". Túi rác từ trên giời rơi xuống bục ra, cơm thừa, cuộng rau muống thối đen lẫn với bỉm, mảnh sứ vỡ văng tung tóe. Thằng con trai lớn tránh không kịp, nước nhầy nhụa bắn lên chiếc quần nó mới thay lúc tối. Mùi chua, thối bay khắp hầm. Thằng bé không nói gì, chỉ co chân sút cái vỏ lon nước ngọt qua cửa hầm nghe đánh keng một tiếng, rồi hốt nốt bãi rác lên xe.
Gia đình anh Minh và ông Năm là những "đứa con lai" của ngành thu gom rác thải. Họ vừa nhận lương làm nhân công của hệ thống thu gom rác thải "chính ngạch" do Nhà nước thiết kế, vừa tham gia vào hệ thống "đồng nát" tồn tại phi chính thức để đảm bảo thu nhập. Sự tồn tại của họ, dựa vào một thực tế: Việt Nam là một trong những nước thải rác nhựa (plastic) nhiều nhất thế giới.
Trong khảo sát của World Bank về tỷ lệ phân loại rác ở 109 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 17 về thải rác plastic (16%). So với trung bình nhóm nước có thu nhập thấp, Việt Nam thải ra lượng rác plastic gấp đôi, và rác thủy tinh thì hơn gấp đôi.
Thói quen tiêu dùng với nhiều túi nylon, vỏ chai nhựa,... đã tạo ra một "thiên đường đồng nát" nuôi sống một lực lượng lao động lớn. Và chính nhờ nguồn thu nhập này, mà rất nhiều người như anh Minh và ông Năm mới chấp nhận tham gia vào hệ thống thu gom "chính ngạch" với các tiêu chuẩn lao động thấp. Họ lấp đầy những khoảng trống thu gom rác thải mà xã hội không thể thiết kế nổi.
Chiếc xe không lên nổi dốc hầm, chị Nhụ đành nhờ anh bảo vệ đẩy cho một đoạn. Thằng con út xách cái giỏ cắm hoa chạy theo sau mẹ. Trông thấy ống kính máy ảnh chĩa vào, nó chỉ cười. Hỏi nó tên gì, mấy tuổi, nó cũng cười.
Giống như ông bố, hỏi gì hai đứa cũng chỉ cười. Những hạt nhân tương lai của ngành thu gom rác Việt Nam, rời nhiệm sở sau một ngày làm việc nhiều hiệu suất.
Hồng không sơn móng tay để còn đi nhặt rác. Chị thích sơn móng chân. 10 ngón lúc nào cũng đỏ chót bằng loại sơn nước giá 15.000 đồng một lọ bán ở chợ. Số tiền bằng giá một cân chai nhựa loại tốt.
"Chị đi làm thì trông bô-nhếch thế thôi, chứ ra đường là phải ăn mặc gọn gàng, tử tế. Chị không có cái gì hơn người, thì phải sống vô tư hơn người ta chứ", Hồng ngồi tỉa móng chân, kết luận về cuộc đời mình.
Hồi trẻ, Hồng rất đẹp. Hồng từng có chồng, trai phố cổ, nhưng rồi không sinh được con nên chị "thả cho anh ấy đi lấy vợ khác". Mổ 4 lần vì u nang buồng trứng, chị bảo tiền tích cóp 30 năm qua gửi trong bệnh viện ấy. Thế nên, ngày nào cũng phải đi nhặt nhạnh, bới, móc, không thì lấy gì ăn.
Người đàn bà đã bước qua bên kia dốc cuộc đời, không chồng, không con, giờ nuôi một đàn chó. Cả đàn hơn 20 con, con xích, con thả dưới vườn – mảnh đất mà chị chiếm được lúc mới ngụ cư ở bãi giữa.
Hồng tính không về quê nữa, vì không còn chỗ mà về. Chị ở Hà Nội này chung thủy với nghề đồng nát.
Hà Nội 30 năm trước trong ký ức chị Hồng chỉ loanh quanh khu bờ Hồ, Long Biên, giờ đi mãi không hết, ngóc ngách nào cũng thấy người. Hồng bỏ quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc lên Hà Nội năm 17 tuổi. Cô thôn nữ Đại Đồng đội cái nón mê, quẩy gánh đi khắp phố nhặt túi nylon, giấy vụn đắp đổi qua ngày.
Trước muốn thu vài cân phế liệu, chị phải đi một vòng thành phố, từ Long Biên sang Hoàn Kiếm, ra tận nơi xa như Cầu Giấy, Thanh Xuân. Giờ cứ loanh quanh khu Phúc Tân, nhặt cả ngày không hết. Nhưng Hồng vẫn tiếc nuối ngày xưa, cái thời nhặt phế liệu không ai tranh giành vì nó bẩn thỉu, giờ thì giành nhau "còn hơn kẻ cướp".
"Hồi đó chị còn đi nhặt mìn cơ mà. Có biết mìn là gì không?", chị hỏi người đối diện xong cười ngặt nghẽo: "Ừ, mày có sinh thời ấy đâu mà biết. Phân ấy".
Những năm còn bao cấp, cả khu tập thể có một cái nhà vệ sinh chung, xếp hàng dài không hết. Nhiều người không chờ được, đi đại tiện vào túi bóng rồi quăng vào thùng rác. Túi nylon hiếm, làm bằng chất liệu tốt, nên người ta gom lên đê Giảng Võ đi giặt, rồi bán lại cho vựa đồng nát. Giờ thì nylon vứt đầy đường, nhặt cả ngày không hết, cũng không ai mua.
Giờ chị phân lịch, hôm đi nhặt phế liệu quanh khu Phúc Tân, hôm đi móc cống. Cái cống ở gần khu trọ móc ra đủ thứ: củi gom xuống vườn, cái gì bán được thì bán. Có hôm chị đang lúi húi dưới cống, người ta vẫn vứt rác, bịch rác rơi cả lên đầu.
30 năm lên Hà Nội, Hồng chỉ loanh quanh bãi giữa này. Giờ chị thuê một cái phòng giá 600.000 đồng mỗi tháng. Gọi là phòng, nhưng nếu có ba người bước vào thì một người phải ngồi xuống đất. Gia tài của chị, từ cái chăn lót chỗ nằm, đến quần áo, quạt... đều là đồ đi nhặt hoặc người ta cho. Chỉ có con khỉ bông là Hồng bỏ tiền ra mua, treo lên thanh gỗ giữa phòng cho đẹp.
Con trai mất, mẹ chồng nàng dâu tranh chấp, bà Ngọc mẹ chị bỏ quê lên ở với con gái. Cái "giường một" giờ hai người nằm. Hồng phải nghiêng người, mỗi lần trở mình không khéo là rơi xuống đất.
Căn phòng chưa đầy 5 mét vuông là nơi trú ngụ của hai con người, một con mèo tên Gái và một con rùa tai đỏ được nuôi trong xô.
"Việc phân loại rác hiện hầu như không có. Xong dự án thì đâu lại vào đấy" - bà Trần Thị Quốc Khánh, ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bức xúc chia sẻ với VnExpress.
Nụ cười của những đứa trẻ nhà Minh Nhụ trong hầm rác; đóa hồng tặng người thương của ông Năm và sự nghiệp của chị Hồng thật ra đến từ việc các chính quyền đô thị tại Việt Nam vẫn đang bất lực trong việc tìm ra một phương thức thu gom rác hiệu quả.
"Dự án" mà bà Khánh nhắc tới là một dự án với tiền tài trợ của Nhật Bản từ thập kỷ trước. Quãng năm 2004, Hà Nội bắt đầu thí điểm dự án phân loại rác tại nguồn, với ba thùng rác riêng biệt dành cho các loại rác khác nhau. Đó là thời mà ở khắp phố phường, người ta nghe thấy ồn ào bài hát của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: "Hãy phân loại rác vì đó là tài nguyên quý giá".
Dự án đi vào quên lãng sau một thời gian ngắn. ""Chúng tôi có phân loại thì rồi công nhân họ cũng đổ chung vào nên giờ nhà tôi lại cho chung tất cả các loại rác vào túi ni lông rồi đem vứt bỏ" - người dân tham gia dự án kể lại trên báo.
Không thể điểm lại hết những tuyên bố về "cơ giới hóa", "tự động hóa" và "nâng cao hiệu quả" thu gom rác từ các cấp chính quyền địa phương suốt những năm qua. Hiện trạng trong mắt nhân vật trải nghiệm như ông Năm, không có gì đổi khác. "Dân họ vứt rác bất kể giờ giấc", ông tóm tắt bối cảnh công việc. Cho dù tổng chi phí cho môi trường Hà Nội giờ đã lên đến hàng nghìn tỷ, ông vẫn giơ đôi bàn tay có thêm mấy vết sẹo bị mảnh chai cứa khi thu rác.
"Người ta cứ tống hết vào một túi, thậm chí còn không có túi, vứt chỏng chơ", ông kể về những túi rác không bao giờ phân loại: từ cơm thừa, đến rau hỏng, chai lọ, quần áo, thậm chí là mảnh sành, thủy tinh vỡ.
"Cần thiết kế một hệ thống thu gom rác thải có hiệu quả, phân loại rác thải từ nguồn dù tốn kém" - bà Khánh khẳng định. "Không thể đổ lỗi hết cho ý thức của người dân. Trước nhà chỉ có một xe đẩy con con, không có những thùng rác để phân loại thì họ để vào đâu?" - vị ủy viên đặt vấn đề trách nhiệm của thành phố.
Nhưng cho dù lời hứa và những hoạch định chính sách là gì, thì đó cũng là chuyện của tương lai - có thể là tương lai xa nếu nhìn vào các dự án đã thất bại. Hiện tại, công đoạn phân loại và tái chế rác vẫn được đồng phụ trách bởi những người dọn rác thủ công.
Vợ chồng ông Năm bà Tươi vẫn có quyền được dùng rác để quy hoạch tương lai của những đứa con. Đứa út nghỉ học từ năm lớp 10, giờ đang chuẩn bị hồ sơ đi học nấu ăn. Cậu con trai cả còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học. Ông bà đã nghĩ đến việc phải xoay xở tiền làm sao để "lo lót" cho nó một công việc.
Những lao công ôm chổi tre vẫn tự tin tiến vào thế kỷ 21 trong vai trò cứu tinh của môi trường thành phố. Những vần thơ tuyên dương của Tố Hữu viết 60 năm trước, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bài: Hoàng Phương - Đức Hoàng
Ảnh: Đỗ Mạnh Cường