Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị là chiến trường khốc liệt nhất, bị ném bom nhiều nhất vì tồn tại khu phi quân sự vĩ tuyến 17, phân chia hai miền Nam - Bắc. Sau năm 1975, trong hơn 11.000 thôn làng của tỉnh miền Trung này, chỉ ba thôn nguyên vẹn. Trên 390.000 ha đất, chiếm 82% diện tích toàn tỉnh, bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ chiến tranh.
Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị thống kê, hiện còn hơn 100.000 tấn bom mìn trên địa bàn chưa phát nổ. Trong đó hơn 2/3 là bom mìn do các hoạt động quân sự trên mặt đất, 1/3 thả từ máy bay. Các vật liệu nổ gồm bom, mìn, tên lửa, rocket, đầu đạn pháo, cối và vật nổ khác, nằm dưới mặt đất và mặt nước.
Sự tồn tại số lượng lớn bom mìn làm phát sinh một nghề độc nhất vô nhị ở Quảng Trị - nghề rà phế liệu chiến tranh.
Cả làng đi nhặt phế liệu
Nằm sát sông Bến Hải, bên cầu Hiền Lương giới tuyến, vùng cát trắng xã Trung Giang (Gio Linh) trở thành túi bom của Quảng Trị. Những năm 1980-1990, người dân trong xã đổ xô đi nhặt phế liệu.
Ông Dương Đức Thành (53 tuổi) nhớ lại, hồi đó bom đạn la liệt trên mặt đất. Sáng sớm, cha đi biển, những đứa trẻ đang học cấp 2 như ông Thành chạy theo mẹ như bay trên cát lượm đồng, nhôm. Lượm qua một lượt buổi sáng, đến trưa nắng đứng bóng, gió thổi ngút ngàn làm lộ lên những mảnh kim loại, những đứa trẻ lại đội nắng tìm sắt.
Trong bốn năm liền từ 1981 đến 1985, ông Thành một buổi đi học, một buổi lượm sắt. "Cực quá, thiếu ăn thiếu mặc, một chiếc thuyền nan đi biển của cha không nuôi nổi cả nhà nên phải bám vào phế liệu chiến tranh", ông Thành nói. Cứ 7-10 ngày, những người thu mua lại chạy xe đạp đến nhà ông gom hàng. Tiền bán phế liệu đong ít gạo ăn được đôi ngày.
Từ năm 1990 trở về sau, khi bom đạn lộ thiên không còn, khắp Quảng Trị rộ lên nghề rà phế liệu chiến tranh bằng máy rà kim loại, điển hình là những làng xã miền tây, như Cam Tuyền (Cam Lộ), Hải Thái, Gio Bình, Trung Sơn... (Gio Linh). Đất đai khô cằn, kinh tế chưa phát triển, nghề nghiệp không có, người người, nhà nhà sắm máy đi rà phế liệu.
Máy là thiết bị điện tử còn thô sơ, gồm một bàng hình vuông hoặc tròn để bắt tín hiệu kim loại sâu khoảng gang tay dưới mặt đất, gắn với một tay cầm hình trụ tròn dài hơn mét. Máy chạy bằng pin, phát tiếng tít tè lên chiếc loa đeo bên tai báo có kim loại bên dưới mặt đất hay không.
Đối diện với tử thần
Anh Nguyễn Văn Toán (phường 4, TP Đông Hà) vẫn nhớ như in vào tháng 6/1994, khi mới 13 tuổi, anh đã chập chững vào rừng rà tìm phế liệu cùng anh trai cả. Được đôi ngày, tai nạn xảy ra, anh trai tử vong.
Thừa hưởng chiếc máy rà kim loại của anh cả, anh Toán tiếp tục theo nghề. Năm 20 tuổi, anh cưới chị Nguyễn Thị Hương rồi cả hai cùng làm nghề. 25 năm qua, vợ chồng anh cuốc trúng bom nhiều vô kể vì không thể biết dưới đất có gì. Nhiều người đã mất mạng, hoặc tàn phế.
Vất vả, nguy hiểm, nhưng anh Toán bảo không muốn đổi nghề, vì không được học hành và "theo lâu quá thành quen". Tờ mờ sáng, vợ chồng anh rời nhà trên chiếc xe máy cũ, mang theo cơm nước cho bữa trưa. Đích đến khó định trước, nhưng thường là những vùng rừng núi cách nhà 50-70 km.
"Thời trước có ngày rà được cả tạ sắt, nhưng giá rẻ. Nay thì mỗi ngày chỉ được 40-50 kg, bán được 150 nghìn đồng", anh Toán nói. Ngày may mắn, vợ chồng anh kiếm thêm 5-7 lạng đồng thì thêm được chút thu nhập. Trừ xăng xe, cơm nước, họ còn trăm nghìn, dư ra không đủ cưới hỏi, kỵ giỗ, nhiều khi phải vay mượn. Nhà nghèo, đứa con đầu dự định học hết lớp 9 sẽ nghỉ đi lao động.
Vợ chồng chị gái anh Toán là Nguyễn Thị Dĩnh (48 tuổi) và Nguyễn Hiền (46 tuổi) cũng theo nghề rà phế liệu 30 năm qua. "Ở đây nước sông gạo chợ, cái gì cũng phải mua. Sáng cột máy đi thì chiều mới có cái ăn", chị Dĩnh nói.
Đổi nghề
Những năm gần đây, giá sắt vụn xuống, phế liệu ngày càng ít đi, thu nhập càng trở nên bấp bênh nên rất ít người bám trụ với nghề. Có những thôn làng chuyển đổi sang nghề khác, điển hình là Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, Cam Lộ).
Là nạn nhân của bom mìn khiến cụt cả hai tay, mù mắt, ông Nguyễn Quốc Tịch (59 tuổi) kể, hơn 10 năm trước, cả thôn Tân Hiệp gắn bó với nghề rà phế liệu, từ người già cho đến trẻ em, đàn ông đàn bà. Mỗi ngày điểm thu mua phế liệu của thôn gom đến năm tấn.
Khoảng năm năm trước, đập thủy lợi Tân Kim Đá Mài hoàn thành, cấp nước giúp người dân Tân Hiệp lần đầu được làm ruộng lúa. Người dân được đào tạo nghề, người già làm thợ xây, thợ mộc, thanh niên làm công nhân trồng rừng tràm, cạo nhựa thông... nên dần từ bỏ nghề rà phế liệu.
Theo Chủ tịch xã Cam Tuyền, ông Hoàng Liên Sơn, nhờ trồng lúa, trồng rừng, cuộc sống người dân đã khấm khá hơn, không như từ năm 2005 trở về trước gần như toàn thôn Tân Hiệp và Tân Hòa đi rà phế liệu.
"Không nghề nghiệp nên người dân mới làm nghề đánh đổi sinh mạng để mưu sinh, chứ không ai giàu có từ nghề này. Xã này từng có nhiều người chết, bị thương do làm nghề", ông Sơn bộc bạch.
Thống kê của Trung tâm Điều phối Khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh, từ năm 1975 đến nay, Quảng Trị có 8.540 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.431 người chết. Trong số này, có rất nhiều người làm nghề rà phế liệu.
Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, 40 năm sau chiến tranh, Quảng Trị rà phá được gần 40.000 ha đất, chiếm 10% diện tích ô nhiễm bom mìn. Trong đó, khoảng 16.000 ha, chiếm 4% diện tích ô nhiễm, do các tổ chức quốc tế và phi chính phủ tài trợ rà phá. Gần 600.000 bom mìn, vật liệu nổ các loại được xử lý an toàn.