Quốc hội Việt Nam ra đời gần như với sự ra đời của nhà nước, thông qua cuộc tổng tuyển cử bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để bầu ra Quốc hội và Quốc hội sẽ bầu ra Chính phủ. Cuộc bầu cử do công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tiến hành, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...
Tổ chức tổng tuyển cử trước thù trong giặc ngoài
Chuẩn bị cho tổng tuyển cử là quá trình đấu tranh cam go với thù trong, giặc ngoài, khó khăn bủa vây. Khi đó, 200.000 quân Tưởng có mặt ở miền Bắc lấy cớ tước khí giới quân Nhật nhưng thực chất là cướp bóc, cấu kết lăm le lật đổ chính quyền non trẻ; thực dân Pháp trở lại xâm lược miền Nam. Trong nước, các tổ chức Việt quốc, Việt cách ra sức phá hoại, đòi xóa bỏ ủy ban nhân dân, đòi 2/3 ghế Quốc hội không thông qua bầu cử. Hơn 90% dân số không biết chữ, nạn đói năm Ất Dậu vẫn còn ám ảnh.
Để tiến hành bầu cử, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tạm nhân nhượng với các tổ chức Việt quốc, Việt cách, như: ký biên bản biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính, 4 điều phụ với các tổ chức này; tự cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 18 thành viên, có thêm thành phần hai tổ chức trên; nhường 70 ghế Quốc hội không thông qua bầu cử, trong đó có ghế Phó chủ tịch Chính phủ cho ông Nguyễn Hải Thần (Việt cách), Bộ trưởng Y tế cho ông Trương Đình Tri (Việt cách).
Các khâu chuẩn bị cho bầu cử được tổ chức gấp rút trong cả nước. Trung ương liên tiếp ban hành các sắc lệnh quy định cách thức bầu cử là phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư. Ngày tổ chức bầu cử là 23/12/1945, nhưng để các ứng viên có thời gian nộp đơn, vận đồng tranh cử và để tổ chức chu đáo, ngày đi bỏ phiếu được lùi đến 6/1/1946.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập gồm 7 thành viên là Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại), Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Hiến, Vũ Trọng Khánh có nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để sau kỳ bầu cử trình Quốc hội thông qua.
Tại địa phương, các ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã. Tinh thần dân chủ thể hiện qua việc hàng nghìn người không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nam nữ nếu muốn lo việc nước đều có quyền ứng cử và thông qua bầu cử để trở thành đại biểu Quốc hội. Hà Nội được bầu 6 đại biểu nhưng có 74 người ứng cử; Quảng Nam được bầu 15 đại biểu nhưng có 78 người ứng cử. Danh sách ứng cử ở các tỉnh, thành cũng được công khai để nhân dân tự do bình chọn. Nhiều cử tri yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh miễn ứng cử và bầu làm Chủ tịch nước vĩnh viễn, nhưng Hồ Chủ tịch từ chối với lý do là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên không thể vượt khỏi thể lệ cuộc tổng tuyển cử đã định.
"Vốn bản chất là hiện thân của dân tộc, Quốc hội sẽ làm tất cả những gì mà nhân dân mong muốn", Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn tờ La République, số 12, ra ngày 23/12/1945.
Thực hiện quyền làm chủ giữa vòng kìm kẹp, súng đạn chiến tranh
Trước bầu cử một ngày, báo Quốc hội - tờ báo ra đời vào kỳ tổng tuyển cử đầu tiên còn ghi rõ những việc cử tri phải làm, như "Đi bỏ phiếu tại trụ sở UBND khu phố mình ở từ 7h sáng đến 4h chiều. Nhớ mang theo Thẻ đi bầu. Đến nơi vào buồng bỏ phiếu. Đưa Thẻ đi bầu cho một nhân viên trong ban phụ trách. Nhân viên ấy cắt lấy một góc thẻ rồi giả lại thẻ cho mình. Phải cẩn thận mỗi người chỉ được một phiếu bầu. Viết tên 6 người mình đã chọn lên phiếu bầu. Nhớ viết cẩn thận, đủ họ, chữ đệm, tên. Viết xong gấp phiếu làm bốn, bỏ vào hòm phiếu".
Sáng 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử diễn ra đúng kế hoạch trên khắp ba miền. Người dân thành thị nghỉ buôn bán, nông dân nghỉ làm đồng, người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên cầm lá phiếu đi bầu cử trong sự phá hoại, kìm kẹp của quân Tưởng, giặc Pháp, lực lượng thù địch, thậm chí đổ máu ở nhiều nơi. Cử tri chọn sẵn những người mà mình muốn bầu rồi viết lên lá phiếu. Với những người không biết chữ thì ủy ban bỏ phiếu cử ra 3 người. Cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì nói tên người đó, nhờ một người viết vào phiếu, hai người bên cạnh kiểm tra rồi đọc lên cho cử tri nghe lại lần nữa rồi mới bỏ lá phiếu vào hòm.
Trong hồi ký của cố đại biểu Quốc hội khóa 1 Lâm Quang Thự còn ghi rõ, ở miền Bắc, phần tử Quốc dân đảng chĩa súng về nhân dân đi bầu cử. Tại Hà Nội, chúng mang tiểu liên đến làng Ngũ Xã không cho dân đặt hòm phiếu. Ở Phú Thọ, chúng sai người tháo khẩu hiệu, thu thẻ cử tri. Nhân dân miền Trung, miền Nam đi bầu cử trong vòng vây của súng đạn thực dân Pháp. Máy bay Pháp ném bom khu vực Mỹ Tho, Khánh Hòa, có nơi cách hòm phiếu chỉ vài trăm mét. Tại Sài Gòn, hơn 40 cán bộ trong ban tuyên truyền bầu cử hy sinh. Lá phiếu của nhân dân miền Nam lúc ấy được ví như những lá phiếu máu.
Sự chống phá điên cuồng của kẻ thù không ngăn được người dân xuống đường đi bỏ phiếu với tư cách công dân một nước tự do, độc lập. Bị khủng bố, người dân ôm hòm phiếu chạy đi nơi khác tiếp tục bầu. Nhiều nơi ngoài hòm phiếu thật còn làm thêm hòm phiếu giả để nhóm phá hoại không dễ tiến hành. Có nơi bố trí vũ khí quanh điểm bầu cử. Tại Tây Nguyên, người dân buôn Krong Prong (Đăk Lăk) đang bỏ phiếu thì giặc tới bao vây, dân chạy vào rừng. Bị truy đuổi, người dân đi sâu vào khe suối, đem theo gạo ăn để bỏ phiếu.
Nhiều cụ tuổi cao sức yếu được con cháu cõng đi bầu cử xúc động nói: "Bây giờ dẫu có chết đi cũng hả dạ, vì đã bỏ được lá phiếu, góp phần xây dựng nền móng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoa cho con cháu mình". "Chúng tôi cầm lá phiếu mà xúc động, vì biết đây là lá phiếu của tự do, lá phiếu giành được từ biết bao xương máu", trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại giây phút bỏ phiếu.
Thông qua tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội, trong đó Bắc Bộ 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73 đại diện. Quốc hội khóa 1 chính thức ra đời, đánh dấu bước nhảy vọt trong thể chế dân chủ của Việt Nam. Người Việt Nam thực sự trở thành công dân nước tự do, độc lập như bản Tuyên ngôn Độc lập nêu rõ, có quyền đi bỏ phiếu để quyết định vận mệnh dân tộc mình.
Ngày 2/3/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa 1 diễn ra tại Nhà hát lớn (Hà Nội) với gần 300 đại biểu. Nhiều đại biểu miền Nam chưa ra kịp do chiến tranh. Kỳ họp vỏn vẹn 4 giờ, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo, thành lập và công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thay cho Chính phủ lâm thời, có trách nhiệm đưa kháng chiến đến thắng lợi, nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Quốc hội khóa I có nhiệm kỳ 14 năm (1946-1960), là nhiệm kỳ Quốc hội dài nhất đến nay với tổng cộng 12 kỳ họp. Đất nước có chiến tranh, hai miền chia cắt nên không thể tổ chức cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khóa mới. Trong suốt nhiệm kỳ, do không thể triệu tập đầy đủ đại biểu mà Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ. Các vấn đều được ủy quyền cho Ban Thường vụ Quốc hội giải quyết. Đây là nhiệm kỳ Quốc hội đặc biệt trong lịch sử 70 năm Quốc hội bởi có sự tham gia của nhiều đảng phái, thế lực chính trị.
Tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá "Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân".
Hoàng Phương
* Bài có sử dụng tư liệu từ báo Cứu quốc, báo Quốc hội và tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.