Sau Nghị quyết miễn nhiệm Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chiều qua, Quốc hội bắt đầu phiên làm việc 31/3 với báo cáo kết quả tiếp thu thảo luận tại đoàn về ứng viên Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Danh sách nhân sự để bầu vào các chức danh trên sẽ được bỏ phiếu kín rồi biểu quyết thông qua.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp khi nhậm chức.
Đến nay, người duy nhất trong danh sách kế nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (62 tuổi). Nếu trúng cử, bà Ngân sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Với trình độ học vấn thạc sĩ Kinh tế, bà Kim Ngân từng kinh qua các vị trí: giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội; Phó chủ tịch Quốc hội từ năm 2011.
Bà là ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 9, 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Hai lần lấy phiếu tín nhiệm, bà Ngân đều đứng đầu danh sách "tín nhiệm cao".
Miễn nhiệm Chủ tịch nước
Cuối phiên làm việc sáng, Thường vụ trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại biểu sẽ thảo luận nội dung này tại đoàn.
Từ 15h, kết quả thảo luận được báo cáo để đại biểu bỏ phiếu kín miễn nhiệm Chủ tịch nước. Sau kết quả bỏ phiếu, đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết miễn nhiệm. Danh sách đề cử vị trí Chủ tịch nước sẽ được thảo luận tại đoàn và bỏ phiếu bầu vào ngày 2/4.
Ông Trương Tấn Sang được bầu làm Chủ tịch nước từ tháng 7/2011. Tại Đại hội Đảng lần thứ 12, ông cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không tham gia Ban chấp hành khoá mới.
Người được giới thiệu kế nhiệm ông là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Nói về sự khác thường trong lần kiện toàn nhân sự cấp cao khi lãnh đạo đương nhiệm chưa hết nhiệm kỳ, đại biểu Dương Trung Quốc giải thích, thông thường các chức danh chủ chốt của quốc gia do đại biểu Quốc hội khoá mới bầu, để bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, kết quả Đại hội Đảng 12 vừa qua đã tạo ra tình huống lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất không tham gia Ban chấp hành trung ương và không tham gia Bộ Chính trị.
Nếu kéo dài tình trạng những vị trí cao cấp không có cương vị trong Đảng thì không phù hợp với thiết chế chính trị Việt Nam. Do đó, Quốc hội phải bầu mới một lúc ba vị trí quan trọng.
"Đây là tình huống phù hợp với đòi hỏi, để làm bộ máy sớm đi vào hoạt động có hiệu quả trong công tác đối nội và đối ngoại", đại biểu tỉnh Đồng Nai nói.
Phần lớn thời gian còn lại của kỳ họp, Quốc hội tiếp tục miễn nhiệm và bầu Thủ tướng, đồng thời kiện toàn cơ cấu nhân sự các cơ quan Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ.
Hoàng Thuỳ