Sáng 28/3, tại hội thảo Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, Cục phó Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường khẳng định cần nhanh chóng thực hiện việc này. Bởi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều nhận định các sân bay cũ từ trước năm 1945 "khó có dư địa để phát triển", trong khi Tân Sơn Nhất được xây dựng từ 100 năm trước.
Ngoài ra, còn có tình trạng một số hãng hàng không đang "tháo chạy" khỏi Tân Sơn Nhất vì lo ngại quá tải. Như hôm 21/3, Cục Hàng không đàm phán với nhà chức trách hàng không Nga. Họ từ bỏ kế hoạch tăng tần suất bay tại Tân Sơn Nhất, mà đề nghị phía Việt Nam nghiên cứu khả năng cho phép tiếp nhận các chuyến bay của Nga đến sân bay Liên Khương và Tuy Hòa.
Hãng hàng không Etihad cũng thông báo đến ngày 15/4 rút tần xuất từ 7 chuyến một tuần xuống còn 4 chuyến, do đường tiếp cận Tân Sơn Nhất khó khăn.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Tất Bình (Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - ACV) cho rằng phải sớm xây sân bay Long Thành, vì ngoài việc đáp ứng nhu cầu vận tải còn nguyên nhân khác rất quan trọng là giá thành xây dựng sân bay "cứ 5 năm lại tăng gấp đôi".
"Dự kiến nếu lùi lại 5 năm (so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025) thì giai đoạn một của sân bay Long Thành có thể tăng lên 10 tỷ USD thay vì 5,4 tỷ như dự tính hiện nay", ông Bình nói và dẫn chứng, năm 2007 nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác với mức đầu tư 200 triệu USD. Bảy năm sau nhà ga T2 của sân bay Nội Bài được đưa vào khai thác với giá trị 800 triệu USD, trong khi chỉ lớn hơn 40%.
Lo ngại đô thị xập xệ quanh sân bay Long Thành
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về việc phát triển đô thị xung quanh sân bay Long Thành chưa được quan tâm đúng mức.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc nói rằng, một công trình lớn như sân bay Long Thành sẽ mang lại triển vọng cho tỉnh và đất nước. Dự án đã được Quốc hội bàn thảo nhiều lần nhưng hầu như mọi người "chỉ bàn về sân bay trong khi toàn bộ không gian xung quanh bị sân bay tác động".
"Ai cũng biết đây sẽ là một đô thị gắn liền với sân bay. Trên thực tế bây giờ người dân đã làm các công trình dân sinh không chỉ ở Long Thành mà còn ở Nhơn Trạch. Cần có tầm nhìn lớn hơn, nếu không ta sẽ có một sân bay rất hiện đại đi cùng một đô thị xập xệ", ông Quốc cảnh báo.
Tương tự, PGS Nguyễn Trọng Hòa (nguyên Viện trưởng nghiên cứu phát triển TP HCM) cho rằng, khi có sân bay Long Thành nơi này sẽ hình thành một đô thị vệ tinh của cả vùng. Do vậy cần nghiên cứu để thâu tóm những chức năng chính của sân bay vào khu đô thị, nếu không "xung quanh sẽ nát như tương vì người ta nhảy vào xâu xé".
"Thời điểm xây dựng sân bay phải tính toán cho phù hợp. Chúng ta đang mơ hồ là điểm đến của thế giới, cái rốn của thế giới, cần phải tỉnh táo tính toán chứ không phải cứ xây sân bay to là người ta sẽ đến", ông Hòa nói.
Về nguồn vốn xây sân bay Long Thành đang gặp khó, ông Hòa gợi ý có thể áp dụng hình thức đầu tư như sân bay Vân Đồn. Quy hoạch đô thị 8-9 ha cho đô thị sân bay, sau đó đấu giá đất để lấy tiền xây theo kiểu "lấy mỡ nó rán nó".
Theo đó, từ nay đến năm 2025 cần tập trung hoàn chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng để giữ đất bằng vốn mà Quốc hội thông qua. Sau khi có quỹ đất bài toán về vốn để xây dựng sân bay cũng sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư tách ra từng hạng mục để làm.
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua tháng 6/2015. Đây là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn một chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm.
Tổng mức đầu tư cho toàn dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, theo đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ (tương đương 5,45 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Hồi giữa tháng 6/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đến tháng 11 năm ngoái, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 94,3% đại biểu tán thành; tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỷ đồng.
Hữu Nguyên