Ngày 28/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 và Chỉ thị 11 của Thủ tướng về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, qua 5 năm triển khai đề án (2013-2018), đông đảo nhân dân đã biết tới Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Thông điệp “Yêu thương và chia sẻ” lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã sáng tạo, thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, mang lại cảm xúc ấm áp, khơi gợi lòng yêu thương, nhắc nhở nhau về giá trị sống tốt đẹp.
Sau một năm thực hiện Chỉ thị 11, Bộ Văn hóa đã xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2019-2020; hướng dẫn các địa phương củng cố, phát triển mô hình “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng”. Hiện có 75% số xã, phường, trị trấn trên toàn quốc đã triển khai các mô hình này.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, hạnh phúc được thể hiện ở mỗi hành động đẹp, chia sẻ thông điệp yêu thương, lan toả những việc làm tốt vì mọi người, vì xã hội…
Để làm được nội dung trên, Phó thủ tướng nêu lên 3 việc cụ thể. Trước hết mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần có hiểu biết về luật pháp để không vi phạm pháp luật.
Ông lấy ví dụ: Có những vấn đề lâu nay tưởng chừng chỉ liên quan đến đạo đức, thói quen ứng xử hàng ngày như bạo hành gia đình; sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn; thậm chí không cho trẻ em đi học nhưng đây chính là vi phạm pháp luật. Vì vậy, một mặt cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mặt khác phải xử lý nghiêm những vi phạm.
Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá. "Không thể có gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá mà vẫn còn hiện tượng cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, trộm cắp, lừa đảo…", ông nói.
Ngoài ra, ông nhận định muốn có hạnh phúc lâu dài cần phải có niềm tin vào tương lai, vào con người và những điều tốt đẹp. Đó không chỉ là sự lạc quan của từng thành viên xã hội mà còn thể hiện ngay từ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Đây là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Việc giáo dục phải chú trọng hơn nữa dạy làm người cho thế hệ con cháu, từ những việc nhỏ, đơn giản nhất, "ví dụ như dạy cho các cháu mẫu giáo biết khoanh tay chào người lớn"; xây dựng các em trở thành những con người nhân văn, có trí tuệ được khai mở, sáng tạo, có lòng yêu nước thương nòi, tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu...
“Muốn có hạnh phúc cần sự nỗ lực mọi lúc, mọi nơi của mọi người, mọi thành viên xã hội, rộng hơn là đến các ngành và cả quốc gia, dân tộc, để lan toả những điều tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu”, Phó thủ tướng chia sẻ.