Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ 2018, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá năm qua ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất ở nhiều nơi, tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế, đời sống người dân.
![]() |
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Võ Hải. |
Trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường thì mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý. Trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. "Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn, nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả", Bộ trưởng nêu.
Theo Bộ trưởng, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đang để lại một số hậu quả; môi trường sống đang phải chịu những áp lực do tác động tích lũy của quá trình tăng trưởng. Rác thải chưa trở thành tài nguyên, công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển. Tài nguyên biển chưa được điều tra, khai thác, sử dụng hiệu quả và đóng góp tương xứng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cần nâng cao khả năng dự báo thiên tai
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, cơ quan khí tượng đã theo dõi chặt chẽ, dự báo sát diễn biến của tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, "không phải lúc nào chúng ta cũng chính xác", nên cần tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo.
![]() |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu sáng 8/1. Ảnh: Võ Hải. |
"Dự báo đúng không những chúng ta giảm thiệt hại người, tài sản mà còn nâng cao hiệu quả đầu tư. Nếu thiên tai nhẹ mà cảnh báo nặng, phải tập trung rất nhiều nguồn lực vào thì lãng phí. Ngược lại nếu nặng bảo nhẹ thì chúng ta không ứng phó kịp", ông Dũng nói.
Về bảo vệ môi trường, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay trước nguy cơ tụt hậu, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nền kinh tế nhanh. Tuy nhiên, dù phát triển nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo đúng hướng, bền vững.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải ra môi trường để “không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa", nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường vì đây là vấn đề rất quan trọng.
"Cái nào cũng đánh giá tác động môi trường nhưng chất lượng thế nào mới là vấn đề. Việc đánh giá phải thực chất, phải có công cụ, có hỗ trợ từ các chuyên gia và phải làm trách nhiệm”, ông Dũng lưu ý.
Thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, đến nay cả nước có 194 trạm khí tượng bề mặt, 755 điểm đo mưa, hơn 350 trạm thủy văn, 24 trạm hải văn, 91 điểm quan trắc xâm ngập mặn vùng cửa sông, 7 trạm rada thời tiết... Đặc biệt, ngành đã xây dựng được một số hệ thống quan trắc và truyền số liệu tự động hoàn chỉnh để làm cơ sở cho việc tự động hóa toàn bộ mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn. |