Ngày 18/10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc với UBND TP HCM và các sở ngành về tình hình quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, xây dựng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề bờ sông, bờ biển của thành phố đang có hiện tượng tư nhân hóa. "Hai bờ sông Sài Gòn lẽ ra phải thuộc về cộng đồng, xây dựng mảng xanh... nhưng đã thành của riêng của một số chủ đầu tư. "Siêu địa tô có view sông nên chủ đầu tư bán được nhà, căn hộ đắt tiền", ông nói.
"Tôi cũng như nhiều người mơ ước sông Sài Gòn đẹp như sông tại các đô thị trên thế giới nhưng giờ đang bị lấn chiếm dòng chảy. Nhìn từ trên cao mới thấy rõ mức độ sông Sài Gòn bị thu hẹp. Điều này không phù hợp quy hoạch, có dấu hiệu nhóm lợi ích, phá hỏng bộ mặt đô thị", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Nghĩa đề nghị thành phố thông tin cho người dân rõ những khu vực nào đã cấp, trở thành đất của dự án tư nhân. Đồng thời ngành chức năng đã giải quyết việc các dự án lấn trái phép bờ sông đến đâu, đang xem xét cấp tiếp cho các dự án nào.
Quan tâm về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP HCM báo cáo, đối chiếu hiện trạng sử dụng đất ven sông Sài Gòn từ năm 2006 cho Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Ông cũng đề nghị rà soát việc sử dụng đất ven sông với quy hoạch, đề xuất chủ trương để điều chỉnh.
Báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Văn Thạch cho biết, hiện có 17 quận huyện tồn hơn 42.000 trường hợp chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất; hơn 41.000 trường hợp nhà đất chuyển nhượng bằng giấy tay, vi phạm xây dựng...
Để tháo gỡ, Sở kiến nghị Văn phòng đăng ký đất đai ở các quận huyện được phép cấp. Giải pháp này giảm thời gian đến 10 ngày, giảm được 5 tỷ đồng tiền vận chuyển hồ sơ từ các quận huyện lên Sở mỗi năm. Những vụ việc xây trái phép đang được rà soát, sẽ cấp giấy cho các trường hợp phù hợp quy hoạch.
Dù Sở TN&MT đã đưa ra giải pháp, nhưng bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội - vẫn băn khoăn, đề nghị giải quyết triệt để việc trễ hẹn. Bà Tuyết nói, khi Đoàn đi giám sát và tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc tình trạng cấp giấy chứng nhận trễ, đặc biệt như ở Củ Chi trễ đến 100%.
Còn đại biểu Nghĩa thẳng thắn cho rằng, Văn phòng đăng ký đất đai Sở TN&MT "phải tự xem lại mình" vì chưa theo kịp để đáp ứng nhu cầu người dân.
"Nghịch lý ở chỗ những người có nhu cầu hợp pháp bị chậm trễ, phiền nhiễu, có khi chờ cả năm trời mới được cấp giấy. Họ phải chung chi, lót tay, bôi trơn mới xong việc. Nhưng người làm bừa, làm càn, chuyển nhượng đất lấy tiền làm giàu thì không xử lý nổi", ông Nghĩa nói và đề nghị TP HCM phải nghiêm túc xem lại vấn đề quản lý đất đai, vì tình trạng vi phạm pháp luật lĩnh vực này có tính lây lan, nhất là ở ngoại thành.
"Nếu chậm, nương tay xử lý là khuyến khích người ta vi phạm, ngày càng nghiêm trọng", ông Nghĩa nhận định.
Trước tình trạng vướng mắc cấp giấy chứng nhận nhà đất phần nhiều do xây dựng trái phép, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá "đây là vi phạm công khai mà ai cũng biết", nhất là ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Bí thư Thành ủy cho rằng điều này "rất đáng buồn", ông yêu cầu UBND TP và các sở ngành phải đi đầu cả nước, nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý trật tự xây dựng.
"Quy mô và áp lực xây dựng nhà của người dân còn hoài, còn mãi. Nếu quản lý xây dựng tốt hơn thì việc cấp giấy chứng nhận sẽ dễ dàng hơn, chứ không cứ phải chạy theo sau", ông Nhân nói.
Các vấn đề đại biểu góp ý, kiến nghị, cùng một số vướng mắc của TP HCM trong vấn đề quản lý đất đai, sẽ được Đoàn ĐBQH TP HCM đưa ra tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14.
Tuyết Nguyễn