Sáng 13/9, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố nghiên cứu về lương tối thiểu và năng suất lao động Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, mức tăng lương tối thiểu trong 10 năm qua ở Việt Nam có tốc độ tăng trung bình hai con số. Cụ thể, giai đoạn 2007-2016, lương tối thiểu tăng ở mức 11-70% mỗi năm (mức tăng khác biệt theo vùng), trung bình đạt xấp xỉ 20%.
Cũng trong giai đoạn trên, mức tăng lương tối thiểu vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn này tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn tại Indonesia.
"Trong khu vực, Việt Nam là nước duy nhất có tỷ lệ tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động, điều này sẽ ăn mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Thương mại, cho rằng nếu coi lương tối thiểu là chính sách xã hội thì "không đúng". Trong thực tế, nếu tăng lương tối thiểu thêm 50%, người lao động vẫn không đủ sống, do vậy các cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương.
"Chúng ta nên nghiên cứu bỏ lương tối thiểu, đồng thời với tăng chính sách bảo trợ xã hội", ông Tuyển nói.
Dưới góc nhìn của cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, thừa nhận cách tính lương tối thiểu thời gian qua "có vấn đề". Tuy nhiên, theo ông, Luật hiện hành quy định rõ mức lương này phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Song do doanh nghiệp kêu khó khăn nên hàng năm Chính phủ phải đưa mức tăng thêm dựa trên chỉ số trượt giá, GDP… "Khi tiền lương tối thiểu khiến người lao động đủ sống, hàng năm chỉ điều chỉnh khoảng 3-4% chứ không tăng 6-7% như bây giờ", ông Chính nói.
Lãnh đạo Liên đoàn lao động cũng cho biết, cơ quan này đã khảo sát tại một số khu công nghiệp, qua đó nhận thấy lương của hai vợ chồng công nhân 10 triệu đồng mỗi tháng là không đủ sống. "Chúng tôi khảo sát và thấy rằng chỉ 16% người lao động có tích lũy, đa số công nhân phải sống tằn tiện kham khổ”, ông Chính nói.
Cũng tại lễ công bố, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động. GS Kenichi Ohno - Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, cho rằng báo cáo nêu trên đưa ra đánh giá tương đối toàn diện, trong đó có nội dung quan trọng là không nên coi lương tối thiểu như chính sách xã hội.
"Việt Nam cần có cơ quan nghiên cứu cải thiện năng suất lao động. Singapore nhấn mạnh năng suất lao động từ khi lập quốc; Ethiopia có nhu nhập bình quân đầu người đạt 700 USD và đang yêu cầu JICA hỗ trợ tăng năng suất lao động", ông Ohno nói và nhấn mạnh, năng suất lao động là chìa khóa phát triển trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
Nhóm chuyên gia khuyến nghị, lương tối thiểu không hiệu quả nếu được xem là một chính sách bảo trợ xã hội. Vì các hệ thống lương tối thiểu hiện chưa áp dụng với người lao động không có hợp đồng, cũng như không thể hiện vai trò bảo vệ nhóm người này. Do đó, Việt Nam cần phải xem xét các chính sách xã hội bổ sung, áp dụng với nhóm cá nhân không được quy định trong chính sách lương tối thiểu. |