Mở đầu phần trao đổi với các cử tri Hoàn Kiếm về quy hoạch ga Hà Nội sáng 18/11, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: "Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong quy hoạch ga Hà Nội, tôi chịu trách nhiệm về vấn đề này".
Theo ông Chung, thành phố thuê đơn vị tư vấn Nhật Bản là Nikken Sekkei có nhiều kinh nghiệm, từng nghiên cứu nhiều nhà ga trung tâm kết nối phương tiện công cộng (TOD) ở Nhật Bản và thế giới. Việc nghiên cứu quy hoạch ga Hà Nội từ năm 2013, trong đó đưa ra hai phương án là ga Hà Nội giữ nguyên và cải tạo hạ tầng xung quanh ga. Khu vực ga sẽ được cải tạo, xây thêm diện tích phục vụ điều hành đường sắt, không đưa người dân vào ở.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, hiện xung quanh ga có 5 dự án triển khai là đường sắt đô thị số 1, đường sắt đô thị số 3, cải tạo hồ Linh Quang, dự án kéo dài đường Trần Quý Cáp, cải tạo hồ Văn Chương. Các dự án này đang thực hiện rời rạc nên thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch nghiên cứu tích hợp vào nhau cho đồng bộ, từ đó có ý tưởng đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận.
Khu vực lân cận ga Hà Nội đang giới hạn chiều cao tối đa 18 tầng, khu Văn Chương tối đa 24 tầng. Tuy nhiên, thăm dò ý kiến có tới 80% người dân khu vực này muốn tái định cư tại chỗ nên tư vấn Nhật Bản đề xuất nâng cao tầng để phục vụ người dân tái đinh cư. Cùng với đó, phương án của tư vấn Nhật Bản là tạo khu đô thị đồng bộ, kết hợp phát triển giao thông đô thị, nâng diện tích giao thông khu vực này từ 8,5% lên 23%...
Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, hiện đồ án quy hoạch được lấy ý kiến các ban ngành, sau đó sẽ công bố, lấy ý kiến của người dân, dự kiến trưng bày tại phố đi bộ và sảnh ga Hà Nội.
"Chúng ta xây dựng quy hoạch cho tương lai hàng trăm năm chứ không phải vài chục năm. Tôi tin các bác sẽ có đánh giá khác sau khi xem quy hoạch. Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong quy hoạch này", ông Chung lần nữa nhấn mạnh với các cử tri Hoàn Kiếm.
Trước đó, cử tri Nguyễn Công Hoan (phường Hàng Bông) đã yêu cầu lãnh đạo thành phố làm rõ lý do và việc tuân thủ quy định đối với đồ án quy hoạch ga Hà Nội. Bởi theo quy định khu vực đó các công trình cao không quá 18 tầng trong khi lãnh đạo Sở Quy hoạch cho biết sẽ xây dựng tòa nhà cao 40-70 tầng. Ông đề nghị thành phố thông tin công khai, xin ý kiến người dân và chuyên gia.
"Chúng ta không được để con cháu đời sau chê cười vì lợi ích nhóm mà xây dựng nhiều công trình cao tầng tại khu vực ga lịch sử gắn liền với thủ đô nghìn năm văn hiến", cử tri Nguyễn Công Hoan trăn trở.
Giữa tháng 9, Hà Nội lấy ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận với mục tiêu đưa nơi này thành cửa ngõ mới của thủ đô, gồm ba chức năng "đầu mối giao thông", "trung tâm thương mại - văn phòng" và "đầu mối giao lưu cấp vùng". Trên diện tích 98 ha của quy hoạch, sẽ có 27 ha làm văn phòng, nhà ở; 30 ha thương mại; 3,6 ha công viên; 21 ha cho giao thông...
Theo tờ trình của Hà Nội đang được gửi lấy ý kiến bộ ngành, trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng. UBND TP Hà Nội đề xuất ba phương án thiết kế chiều cao công trình điểm nhấn, từ 100 đến 200 m, xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có phương án xây công trình 70 tầng tại phía tây bắc hồ.
Đồ án đã gây nhiều tranh luận, một số chuyên gia cho rằng có lợi ích nhóm trong việc lập quy hoạch và xây nhiều nhà cao tầng sẽ làm tăng dân số, đi ngược mục tiêu giãn dân nội đô Hà Nội.