Phiên họp lần thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 2 đợt, từ ngày 12 đến 13/3 và ngày 20 đến 22/3. Trong đó, đợt đầu tiên, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung còn ý kiến khác nhau của một số dự án Luật, đồng thời quyết định việc thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.
Ông Mạnh là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga từ 18/1.
Trong đợt 2 của phiên họp, sáng 22/3, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo quy định tại Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ tổ chức công tác này một lần trong mỗi nhiệm kỳ, vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, tức là vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, hiện có ý kiến đề xuất đưa việc lấy phiếu tín nhiệm lên sớm hơn, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khai mạc vào tháng 5 tới, nên Ban Công tác đại biểu trình phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng dành trọn ngày 21/3 để chất vấn Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
Nội dung chất vấn gồm hai nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án luật Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật...
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Lê Thành Long sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. |
Nhóm vấn đề thứ hai là hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học - công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Lần này, cơ quan thường trực của Quốc hội thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”, theo hướng đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút mỗi lần (trước đây thường là nhiều đại biểu liên tục nêu câu hỏi và bộ trưởng trả lời chung sau đó).
Ông Ngô Đức Mạnh sinh năm 1960; quê xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; tiến sĩ Luật. Ngoài chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Mạnh còn là thành viên Ban chỉ đạo nhà nước về thông tin đối ngoại, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hy Lạp. Ông là đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII. |