Ngày 28/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, đã có cuộc trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội về việc 4 ngày vừa qua đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.
- Ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân của các vụ tai nạn đường sắt vừa xảy ra?
- Tôi rất lấy làm tiếc về vấn đề này. Nguyên nhân và đánh giá chính thức sẽ do cơ quan thẩm quyền xem xét. Tuy nhiên, theo dư luận và theo cách tiếp cận của chúng tôi, có một số nguyên nhân.
Trước hết, đó là hệ thống quy định bảo đảm cho vận hành và an toàn đường sắt chưa hoàn thiện. Đây là vấn đề hàng đầu cần thiết phải tiến hành nghiên cứu, khắc phục ngay. Chúng ta đã duy trì quá lâu các quy định cũ từ thời bao cấp đến nay, chậm đổi mới, mà nguyên nhân chậm đổi mới là do hạ tầng kỹ thuật cơ sở quá kém. Từ máy tàu, đoàn tàu, hệ thống con đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội.
Khi so sánh với hệ thống đường sắt thế giới thì thấy hệ thống đường sắt của Việt Nam quá lạc hậu.
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ của người dân trong quá trình tham gia giao thông thấp. Ngay tại Hà Nội, hiện tượng vi phạm khi lưu thông qua hệ thống đường giao cắt với đường sắt rất phổ biến.
- Trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách lĩnh vực này ra sao trước những bất cập trên, thưa ông?
- Khi nói về hoàn thiện hệ thống thể chế thì đây là trách nhiệm của trưởng ngành. Bộ trưởng phải tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức người dân; chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành địa phương đảm bảo an toàn đường sắt.
Nhưng chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, muốn làm phải có tính đồng bộ cao. Ví dụ toàn bộ hệ thống con tàu, đường tàu phải đồng bộ. Việc củng cố hệ thống đường sắt phải từ chể thế cho đến hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, thậm chí cả vấn đề đạo đức xã hội.
- Trước các vụ tai nạn nghiêm trong xảy ra liên tục như vậy, lãnh đạo ngành giao thông có trách nhiệm lên tiếng như thế nào, thưa ông?
- Việc Bộ trưởng có xin lỗi hay không tùy thuộc vào các vấn đề nhưng theo tôi, những việc như thế này Bộ trưởng cần thiết phải lên tiếng, vào cuộc ngay lập tức bởi đây là vấn đề có tính chất nhạy cảm về xã hội.
Theo tôi, ngoài việc động viên, thăm hỏi các nạn nhân thì Bộ trưởng cũng phải xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền báo cáo. Tôi biết Bộ trưởng có chỉ đạo nhưng cần phải công bố cho báo chí và người dân biết để cùng tham gia, vì việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn của đất nước là nhiệm vụ chung chứ không phải vấn đề riêng của ngành đường sắt hay Bộ Giao thông Vận tải.
- Ông đề xuất giải pháp gì để góp phần sớm giải quyết vấn đề trên?
- Sau các vụ tai nạn gần đây, chúng ta phải tiến hành rút kinh nghiệm ngay. Trong quá trình đó, ngành Đường sắt nói riêng và Bộ Giao thông Vận tải phải chủ trì với các bộ, ngành nghiên cứu đề án khả thi, báo cáo Chính phủ về việc củng cố hệ thống đường sắt, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân.
Tôi biết trong phiên chất vấn tới đây, nhiều đại biểu muốn chất vất Bộ trưởng Giao thông vì đây là vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm; cá nhân tôi sẽ cân nhắc việc này.
4 vụ tai nạn đường sắt trong 4 ngày 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải. 2 người chết, 10 người bị thương, đầu máy và 6 toa xe bị lật. Công an đã bắt 2 nhân viên gác chắn do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 16h20 ngày 26/5, tại ga Núi Thành (Quảng Nam), tàu hàng ASY2 đi vào ga theo hướng Nam Bắc. Cùng thời điểm lái tàu hàng 2469 đang dồn toa hướng ngược lại khiến hai đoàn tàu đã tông nhau trực diện... 4 toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng. Chỉ 20 phút sau, lúc 16h40 ngày 26/5, tàu hàng chạy hướng Nam Bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. 30 m đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, đường sắt qua khu vực này tắc 3 giờ. 13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 chạy Bắc Nam, khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông do tài xế Lê Văn Thể (31 tuổi, trú Nghệ An) cầm lái đang từ đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt. Đầu máy tàu bị hư nhẹ, đầu xe bồn hỏng nặng. May mắn tài xế xe bồn chỉ bị thương nhẹ. |
Võ Hải ghi