Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, là một trong 44 cán bộ được Bộ Chính trị, Ban bí thư luân chuyển về địa phương hồi năm 2014. Ông chia sẻ với VnExpress những suy nghĩ và trải nghiệm xung quanh "bước đường luân chuyển" của mình.
- Bộ Chính trị vừa ban hành quyết định về luân chuyển cán bộ, trong đó yêu cầu không luân chuyển những cán bộ bị kỷ luật. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Tôi thấy đây là quy định thể hiện tư duy rất mới của Đảng về thưởng - phạt đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, một người đã bị kỷ luật dù vì bất cứ lý do gì, cũng không được đảm nhiệm vị trí ở nơi công tác mới vì sẽ gây phản cảm. Họ đã không còn uy tín trong con mắt đồng chí, đồng nghiệp. Cán bộ đã mất uy tín thì làm sao có thể thu phục nhân tâm của người khác nữa?
Tôi đề xuất, đối với cán bộ bị kỷ luật khiển trách thì nên hạ cấp chức vụ một bậc; còn kỷ luật từ cảnh cáo trở lên thì tổ chức không nên giao chức vụ lãnh đạo, quản lý cho người đó nữa. Người nào phạm phải những lỗi đặc biệt nghiêm trọng, thì không chỉ bị khai trừ mà còn phải truy tố trước pháp luật.
Hơn lúc nào hết, Đảng phải sử dụng có hiệu quả cơ quan tổ chức và kiểm tra, bởi đó là hai cơ quan quan trọng giúp Đảng duy trì kỷ cương và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
- Năm 2014, khi đang là Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông được luân chuyển về làm Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông đã có những trải nghiệm gì ở địa phương này?
- Về tỉnh được hơn một tháng, tôi thấy thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn nếu có chính sách tác động đúng thì sẽ phát triển nhanh, do vậy đã đề nghị Thường trực Tỉnh uỷ nên có cơ chế đặc thù với các đơn vị này. Tổ chức giao cho tôi chỉ đạo vấn đề này. Hơn 2 tháng sau, cơ chế mới chủ yếu là về tài chính được ban hành, các đơn vị ấy rất phấn khởi. Nhưng đề xuất của tôi về phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị về tổ chức bộ máy, nhân sự và đầu tư thì không = được tổ chức chấp nhận. Tôi rất tiếc, giá như phân cấp mạnh mẽ hơn sẽ giải phóng được năng lực tiềm tàng của các huyện, thị và thành phố trên địa bàn.
Một việc nữa mà tôi tâm đắc là Thường trực Tỉnh uỷ giao cho tôi chủ trì xây dựng Quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Trong vòng hơn 2 tháng, tôi chỉ đạo Ban dân vận và các đơn vị liên quan quan hoàn thành dự thảo. Trước khi trình Ban thường vụ Tỉnh uỷ thông qua, có cho thí điểm và đạt kết quả rất tốt. Đó chính là kinh nghiệm và là lý do vì sao tôi luôn trăn trở lãnh đạo phải đối thoại trực tiếp với dân khi có mâu thuẫn nảy sinh. Đơn cử, sau này về Hà Nội, tôi rất quan tâm đến cuộc đối thoại của Chủ tịch Hà Nội với nhân dân Đồng Tâm.
Thời kỳ ở Hải Dương, tôi được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo thực hiện kết luận 61 của Ban bí thư về vai trò của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tôi đi nhiều xã, ra tận ruộng, đến tận nhà những nông dân điển hình. Từ đó, tôi nhận ra chủ thể chính của phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới không ai khác chính là nông dân. Tôi nêu quan điểm tự lực, tự cường và cách huy động nông dân, anh em phấn khởi lắm. Khi tôi họp Quốc hội, chị Bình là Chủ tịch Hội nông dân tỉnh (vợ anh Hiển - Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm) gọi điện nói rằng các huyện rất muốn Ban chỉ đạo về kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, mách nước cho họ. Tôi rất vui về điều này.
Với nhiệm vụ là Phó bí thư phụ trách xây dựng cơ sở Đảng, khi về Hải Dương, tôi rất quan tâm đến phát triển Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân. Ba tháng đầu mới về, chiều nào tôi cũng đi xuống cơ sở để tìm hiểu. Câu hỏi lớn đặt ra là tại sao nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân không muốn vào Đảng, không muốn có chi bộ trong công ty? Rồi câu hỏi cũng được trả lời. Bên cạnh nhận thức của chủ doanh nghiệp, thì có vai trò rất quan trọng của tổ chức Đảng liên quan.
Tôi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Hải Dương bàn giải pháp, chủ động xuống các doanh nghiệp và đặt ba câu hỏi: Các bạn có biết ai là người đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng? Pháp luật có nguồn gốc từ đâu? Vai trò của cấp uỷ Đảng với doanh nghiệp thế nào? Không ai trả lời được. Tôi nói: Chính những cán bộ xuất sắc của các anh, nếu đủ tiêu chuẩn và được kết nạp Đảng, họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt giúp các anh hiểu rõ chủ trương, đường lối và đó chính là nguồn gốc của pháp luật. Có chi bộ đảng, các anh sẽ có đầu mối liên lạc với cấp ủy các cấp và tôi là Phó bí thư Tỉnh ủy sẵn sàng tiếp, lắng nghe ý kiến các anh. Thế là họ nghe ra và ngay trong tháng đầu tiên, có 18 nơi đăng ký thành lập chi bộ.
Trước khi tôi về thì cả tỉnh chỉ có một chi bộ ở doanh nghiệp tư nhân là Công ty bánh đậu xanh Gia Bảo. Tôi cùng với Hiệp hội doanh nghiệp địa phương và lãnh đạo công ty Gia Bảo tuyên truyền, vận động. Kết quả rất cao, được Ban tổ chức Trung ương yêu cầu Ban tổ chức Tỉnh uỷ Hải Dương báo cáo điển hình.
- Luân chuyển đi địa phương để tạo cán bộ nguồn cho khoá mới, nhưng ông từ cơ quan Quốc hội lại trở về vị trí cũ ở Uỷ ban Tài chính Ngân sách. Đâu là lí do?
- Đi luân chuyển, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui, nhưng cũng có những kỷ niệm buồn. Đó là tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng của người này, người khác mà tôi cảm nhận được; với tôi là cán bộ luân chuyển thì nhiều khi thân cô, thế cô, chẳng họ hàng, bạn bè thân thích nào ở địa phương.
Tôi luôn cố gắng trong công việc, đoàn kết với mọi người, nhưng nhiều khi người nọ nghĩ tôi chơi thân người kia. Rất khổ tâm. Khi bầu Ban thường vụ Tỉnh ủy, tôi được tỷ lệ phiếu 52,7%, nghĩa là quá bán nhưng lấy theo số phiếu từ thấp đến cao thì tôi không trúng. Thế rồi tôi trở lại vị trí cũ. Nhưng dù ở đâu, tôi luôn xác định tâm thế thẳng thắn, làm việc vì cái chung.
- Với những trải nghiệm của mình, ông có góp ý gì cho công tác luân chuyển cán bộ?
- Đây không phải chủ trương mới mà đã tiến hành qua nhiều khóa Trung ương. Tôi thấy một vấn đề quan trọng là trong khi cán bộ đi luân chuyển, cần tránh hai thái cực, hoặc là giữ gìn thận trọng chờ ngày về, hoặc là lao vào công việc thì bị hiểu lầm động cơ, mục đích.
Lần này, Bộ Chính trị ban hành quy định về luân chuyển, với một số quy định mới, khắc phục những bất cập, hạn chế từ thực tiễn. Tôi đã đọc nhiều lần quy định này và nhận thấy nhiều điểm rất hay, thầm nghĩ giá như quy định có sớm hơn.
Tôi tin tưởng quy định luân chuyển lần này sẽ khắc phục được vấn đề phát sinh trong thực tế, đơn cử như lấp kín kẽ hở để không có những trường hợp về địa phương bằng "đường tiểu ngạch" như Trịnh Xuân Thanh; chọn đúng người có đức, có tài đưa đi rèn luyện, thử thách trong thực tiễn.
Trong quá trình luân chuyển cán bộ, Trung ương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời để bảo vệ cán bộ liêm chính, thẳng thắn, tránh trường hợp bị trù dập, cản trở; có cơ chế đánh giá khách quan về đóng góp của người được đưa đi luân chuyển.
Cuối cùng, phải coi cán bộ luân chuyển là người của Trung ương đưa đi đào tạo, không nên coi là cơ cấu của địa phương (như tinh thần chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng các cấp vừa qua). Theo đó, người được đi luân chuyển chỉ cần có số phiếu quá bán là đạt yêu cầu, nhất là ở địa bàn phức tạp.
Quy định mới đây của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, nêu rõ việc tiếp tục thực hiện chủ trương này kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Quá trình thực hiện quy định phải bảo đảm dân chủ, khách quan; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen... Bộ Chính trị yêu cầu chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ; không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút. Cán bộ luân chuyển phải là người trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển; thời gian luân chuyển ít nhất là ba năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm). |