Chiều 8/11, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ đã có cuộc đối thoại gần 3 giờ với đại diện người dân Văn Giang. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh việc 8 năm trước, khi còn đương chức, ông Võ đã ký hai tờ trình lên Thủ tướng, đề xuất thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc nối Hưng Yên và Hà Nội qua cầu Thanh Trì và khu đô thị Văn Giang (huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên).
Trong đó, ngày 29/6/2004, ông Đặng Hùng Võ thừa lệnh Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ký tờ trình số 99 lên Thủ tướng. Trước đó một ngày, 28/4/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình về thu hồi, giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị thị Thương mại, du lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên - Hà Nội (đoạn Văn Giang đến xã Dân Tiến, Khoái Châu).
Khoảng 30 người dân Văn Giang, luật sư đại diện cho người dân đối thoại với một mình ông Đặng Hùng Võ. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Người dân Văn Giang cho rằng, trong khi đất của họ chưa bị thu hồi thì đã giao cho nhà đầu tư. Tại buổi đối thoại, ông Võ chủ động đính chính: "Đây là tờ trình về thu hồi đất chứ không phải giao đất. Vì lúc đó cơ chế là không có giao đất (chỉ trừ trường hợp có một nhà đầu tư duy nhất, không qua đấu thầu) mà là đấu thầu, nên đáng ra đây là quyết định thu hồi đất để đấu giá".
Theo luật sư Trần Vũ Hải (được người dân Văn Giang thuê bảo vệ quyền lợi), bằng tờ trình, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tham mưu sai. "Thẩm định quy hoạch sử dụng đất phải là Chính phủ. Chính phủ phải ra quyết định thu hồi đất, nên Bộ phải trình Chính phủ", luật sư Hải dẫn nghị định 66 năm 2001 của Chính phủ về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai.
Đáp lại, ông Võ cho rằng, vì phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đều là quyết định, mà Chính phủ không có hình thức quyết định nên mới giao cho Thủ tướng. Điều này theo ông Võ là "thông lệ”.
Theo ông Võ, chủ trương gắn cầu Thanh Trì với các đầu đường mới, gắn với xây dựng cầu Thanh Trì ở thời điểm đó là chủ trương đúng. Đây là cũng là thời điểm giao giữa Luật đất đai cũ và mới nên "có cái theo luật cũ và có cái theo luật mới". Trong khi đó, Chính phủ chỉ đạo đường nối Hưng Yên với Hà Nội và đường quốc lộ 5B là 2 dự án trọng điểm...
Ông Võ nói lời xin lỗi người dân Văn Giang tại buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
"Sở dĩ phải đẩy nhanh tiến độ vì là dự án trọng điểm. Khi cuộc sống cần thì không thể chờ luật. Tôi quan điểm như vậy khi đứng trước dự án dù bà con có thể cho rằng tôi sai. Đó là con đường chiến lược, mang lại lợi ích cho Hưng Yên, Hà Nội và ngay cho người dân Văn Giang", ông Võ giải thích.
Nguyên Thứ trưởng Võ cho biết, khi ký trình ông đã cân nhắc kỹ, nếu dừng lại dự án sẽ phải chậm 1,5-2 năm vì phải làm lại từ đầu (theo Luật Đất đai 2003 có hiệu lực từ 1/7/2004). "Ký thì chắc chắn có điều tiếng. Nhưng nếu phân tích lịch trình toàn bộ như trên thì thấy hợp lý thôi", ông Võ nói.
Liên quan tới việc ký quyết định giao đất ở thời điểm đó, ông Võ "công nhận là không đúng thẩm quyền, kể cả trường hợp có ủy quyền cũng không đúng pháp luật".
"Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mà không điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng là không đúng. Ở cương vị công tác của mình khi đó, tôi không giám sát được để có những chệch choạc thì tôi chịu trách nhiệm. Còn những cái gì gây thất thoát cho bà con thì là lỗi của tôi", ông Võ bộc bạch vào cuối buổi đối thoại khiến toàn bộ đại diện người dân Văn Giang vỗ tay.
Tuy được tổ chức tại trụ sở cũ của Bộ Tài nguyên Môi trường (83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) song không có đại diện nào của Bộ tham dự. Cuộc đối thoại nhiều lúc khá căng thẳng bởi những đối đáp qua lại giữa ông Võ, người dân và luật sư đại diện cho quyền lợi của người dân. Ông Võ cũng nhiều lúc lúng túng và mất thời gian để tìm tài liệu, dẫn chứng để trả lời trước các câu hỏi liên tiếp từ phía luật sư Hải và người dân.
Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi, giao đất để thực hiện. Dự án có quy mô xấp xỉ 500 ha thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên. Đây là dự án khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 6 tỷ USD.
Sáng 24/4, UBND huyện Văn Giang đã thực hiện cưỡng chế 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Theo tỉnh Hưng Yên, khoảng 200 người đã chuẩn bị cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế. 19 người được cho là có hành vi quá khích, chống trả người thực thi nhiệm vụ đã bị tạm giữ trong ngày cưỡng chế.
Trao đổi với báo chí sau cuộc đối thoại, ông Đặng Hùng Võ cho biết: "Tôi vẫn đang cố gắng để người dân hiểu rằng cái trái thẩm quyền nó có hoàn cảnh. Nhưng người dân không muốn hiểu vì họ bức xúc quá, chẳng thể làm thế nào được. Chúng ta có thể thông cảm". Sau cuộc đối thoại, ông Võ sẽ có kiến nghị gửi tới Bộ Tài nguyên Môi trường. "Trong giai đoạn ấy luật pháp về đất đai rất lơ mơ, có thể xây dựng luật thì chặt chẽ nhưng thực hiện hầu như các chính quyền địa phương mỗi nơi có một kiểu. Việc ưu tiên tôi cho là có lý do chính đáng, địa phương đang nghèo nàn như thế tự nhiên có nhà đầu tư đến, để họ chờ mãi thì không được. Nếu không ưu tiên thì người ta sẽ đi", ông Võ nói. |
Nguyễn Hưng