Sáng 19/7, tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cảnh báo một đợt mưa cực lớn có thể xảy ra ở Bắc Bộ.
Theo ông Năng, bão Sơn Tinh (bão số 3) sau khi đổ bộ vào miền Trung đêm qua đã suy yếu nhanh thành vùng áp thấp. Hoàn lưu bão sẽ còn gây mưa diện rộng, nơi mưa lớn (100 mm/ngày) là các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái...
Ngoài ra, ông Năng cho biết, dải hội tụ nhiệt đới đang duy trì ở vịnh Bắc Bộ và có nguy cơ hình thành vùng áp thấp.
"Đó là nguy cơ đặc biệt nguy hiểm. Nếu vùng áp thấp hình thành thì khoảng ngày 22-23/7, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ sẽ có mưa rất lớn, giống đợt mưa lịch sử cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 ở Quảng Ninh với lượng mưa trên 1.000 mm", ông Năng nói.
Tuy nhiên, Trưởng phòng dự báo thông tin thêm, hiện xác xuất hình thành vùng áp thấp chưa cao. Trung tâm dự báo khí tượng sẽ theo dõi sát hình thái này và phát thông tin cảnh báo ngay khi có dấu hiệu.
Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Sơn Tinh, đêm 18/7 trời mưa to. Cùng với nước từ thượng Lào đổ về, từ sáng nay một số sông suối ở huyện Quế Phong nước dâng cao. Hai cầu tràn đường liên xã từ trung tâm huyện dẫn vào xã Nậm Giải và Quang Phong nước cao hơn một mét.
“Hai xã trên chỉ có một con đường độc đạo nên bị chia cắt hoàn toàn, nước chảy xiết, chính quyền phải cắm biển báo cấm người qua lại. Hơn 30 hộ dân nằm ven các sông suối có nguy cơ sạt lở sẽ được di dời trong hôm nay”, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nói.
Tại huyện Quỳ Châu, sáng nay gần 80 hộ dân ở những nơi có nguy cơ bị sạt lở đã được chính quyền di dời. Nhiều cầu tràn ở đường liên xã sạt lở, quốc lộ 48 qua địa bàn nước ngập sâu khiến phương tiện giao thông không thể qua lại.
Tại huyện Quỳ Hợp, hai xã cũng bị cô lập, nước lũ chia cắt nhiều tuyến giao thông.
Sáng 19/7, nước sông Vũ Giang chảy qua huyện Yên Thành dâng cao khiến đường qua xóm Khánh Hòa (xã Khánh Thành) ngập hơn nửa mét; nhiều hộ gia đình dùng thuyền để vận chuyển đồ dùng sinh hoạt qua đoạn ngập.
Hiện hơn 430 hồ đập ở Nghệ An đã tích đầy nước. Trong đó, đập Ô Quan ở xã Đại Sơn (huyện Đô Lương) do đang thi công nên nền đất yếu, nguy cơ vỡ khiến chính quyền xã phải túc trực và di dời hơn chục hộ dân ven chân đập.
Tại Thanh Hóa, bão Sơn Tinh đổ bộ không gây thiệt hại lớn về người và tài sản nhưng mưa lớn trước và sau bão đã gây ngập úng nhiều nơi ở các huyện Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia, Triệu Sơn…, một số tuyến giao thông nguy cơ tê liệt.
Sáng 19/7, Đội cảnh sát giao thông Công an đồn Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) cho biết, tỉnh lộ 513 qua cổng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang ngập nặng, có đoạn nước sâu đến 80 cm, kéo dài gần một km. Để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo không cho người dân đi qua.
Nông Cống cũng đang ngập diện rộng. Tại xã Tượng Sơn, mưa lớn nhiều ngày đã làm nước sông Thị Long dâng cao khiến ruộng đồng chìm trong biển nước.
Ông Vũ Quang Thơm, Chủ tịch xã Tượng Sơn cho biết, hiện toàn bộ diện tích lúa mùa mới cấy của bà con đã bị nhấn chìm, ngoài ra hàng trăm ha cói người dân đã thu hoạch nhưng không kịp đưa về nhà. "Chúng tôi lo nếu mưa lớn tiếp diễn, đập Yên Mỹ xả lũ thì cả xã Tượng Sơn sẽ chìm sâu", ông Thơm nói.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở một số huyện miền núi Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy và ngập úng tại các huyện vùng trũng.
Tại Quảng Ninh, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Sơn Tinh, từ chiều 18 đến trưa 19/7, huyện Ba Chẽ có mưa to, nước lũ tràn về làm nhiều cầu, ngầm, tràn và 14 điểm trên tỉnh lộ 330 bị ngập, gây chia cắt trung tâm thị trấn với 5 xã: Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm và Lương Mông.
Đến 14h ngày 19/7, thị trấn Ba Chẽ chìm trong biển nước, nhiều nhà dân bị ngập lụt phải sơ tán. Huyện Ba Chẽ điều động hàng trăm người gồm, công an, bộ đội, dân phòng hỗ trợ người dân di chuyển tài sản.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, hiện trời đã ngớt mưa nhưng nước lũ đang lên cao. “Nước lũ ngập hết tầng một chợ trung tâm thị trấn Ba Chẽ. Chúng tôi đang di dời 138 hộ kinh doanh tại chợ và 40 hộ dân nằm trong khu vực ngập lụt”, ông Sơn nói.
Huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá trên sông và cấm phương tiện qua lại trên các ngầm, tràn, các điểm ngập lụt.
Theo thống kê của cơ quan khí tượng, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 10 đợt mưa lớn trên diện rộng, nhiều hơn năm 2017 một đợt. Tổng lượng mưa trong tháng 6 tại các tỉnh vùng núi phía bắc Bắc Bộ, một số nơi thuộc Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và bắc Tây Nguyên phổ biến cao hơn từ 20-80% so với trung bình nhiều năm.
Các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ tập trung trong tháng 7-8. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn các năm trước. Từ tháng 9 đến cuối năm 2018 lượng mưa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc Bộ.
Đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh được coi là lớn nhất trong 50 năm tại tỉnh này. Hậu quả, 17 người chết, hàng chục người bị thương, hơn 4.000 hộ dân có nhà bị sập, đổ, trôi, hơn 2.000 hộ dân phải di dời; nhiều công trình giao thông, trường học, chợ… bị tàn phá, gây hư hỏng. |
Ban Thời sự