Trưa 1/6, lãnh đạo UBND TP HCM, lực lượng Hải quân tổ chức đón chiến hạm Surcouf của Hải quân Pháp cập cảng Sài Gòn trong chiến dịch Jeanne d'Arc. Trung tá Christine Ribbe (thuyền trưởng) đưa mọi người tham quan tàu chiến được đóng vào năm 1982 này.
Tham gia vào Hải quân Pháp năm 1999, bà Christine Ribbe từng hoạt động ở vịnh Guinea, miền duyên hải Bờ Biển Ngà và Ấn Độ Dương. Năm 2006, bà là chỉ huy huấn luyện của tàu Tigre, từng tham gia các chiến dịch của Pháp với vai trò chỉ huy.
Trung tá Christine Ribbe hai lần được xướng tên là nhân vật tiêu biểu trong lực lượng Hải quân Pháp. Bà được đề bạt làm chỉ huy chiến hạm Surcouf vào tháng 1 năm nay.
Tàu Surcouf dài 125 m, thủy thủ đoàn gồm 150 người, trong đó 10% là nữ. Đây là tàu hộ tống hạng nhẹ, có khả năng tàng hình. Trên tàu có một trực thăng nhằm phục vụ hoạt động trên biển, sứ mệnh chính của tàu là chống khủng bố, buôn lậu và hải tặc.
Theo thủy thủ đoàn, những con tàu loại này được Pháp đóng giai đoạn giữa thế kỷ 18-19. Ban đầu chúng là tàu hộ tống hàng, trải qua 200 năm nó được biên chế vào Hải quân Pháp. Có 5 con tàu mang tên Surcouf nhưng đây là tàu cuối cùng còn hoạt động.
Ngoài tàu Surcouf, đến Việt Nam lần này còn có tàu đổ bộ, chỉ huy Dixmude hiện neo đậu ở Vũng Tàu. Đây là tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral, dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có thể chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự, cùng tối đa 700 binh sĩ.
Tàu được hạ thủy cuối năm 2010 và chính thức được biên chế hoạt động vào năm 2012. Đây là tàu lớn thứ hai trong biên chế Hải quân Pháp, sau tàu sân bay Charles de Gaulle. Trong lịch sử Hải quân Pháp từng có ba tàu chiến mang tên Dixmude, nhằm vinh danh thủy binh Pháp trong Trận Yser tại Diksmuide trong chiến tranh thế giới lần I.
Chiến dịch Jeanne d'Arc là chương trình đào tạo tác chiến kéo dài 5 tháng, bắt đầu ngày 26/2. Chương trình nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo tác chiến thực tế cho 131 sĩ quan tham gia khóa học. Trong đó có 10 người đến từ các nước đồng minh, tạo điều kiện để học viên tham gia tích cực vào hoạt động của nhóm.
Chiến dịch có bốn mục tiêu chính gồm triển khai trong những khu vực chiến lược, hợp tác quốc tế, hỗ trợ quan hệ ngoại giao, và đào tạo tác chiến thực tế cho các sĩ quan tham gia khóa học. Chiến dịch này cho phép Pháp nâng cao hiểu biết về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo an ninh biển thông qua việc khẳng định sự quan tâm của Pháp tới tự do hàng hải và tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược.
Tàu dừng tại Việt Nam từ ngày 1 đến 5/6 sẽ giao lưu, nghỉ ngơi và tập luyện chung với Hải quân Việt Nam.