Ít ngày nữa, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (Trợ lý Phòng Tham mưu - Kế hoạch, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam) sẽ lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Khi chuẩn bị hành lý cho 12 tháng ở đất nước châu Phi, chị cất kỹ bộ áo dài truyền thống bên cạnh những bao gạo, thùng mì tôm và lương khô với hy vọng những dịp lễ tết sẽ có cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam.
Sinh năm 1981, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học Hà Nội, chị Nga nhập ngũ năm 2004 và chuyển ngạch sĩ quan năm 2012. Nhiệm vụ chính của chị tại Trung tâm Gìn giữ Hòa Bình là phụ trách trang thông tin điện tử của trung tâm và mạng LAN. Được chỉ huy phát hiện có khả năng làm công tác đối ngoại, chị bắt đầu tham gia tập huấn hơn một năm để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng.
Là phụ nữ Việt Nam tiên phong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, thiếu tá Nga xem đây là vinh dự với bản thân và gia đình, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi lo lắng. “Khi nhận nhiệm vụ, tôi đã tìm hiểu qua đồng nghiệp, bạn bè và Internet, biết Nam Sudan là nước nghèo, tình hình bất ổn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Liên Hợp Quốc. Tôi cũng lo lắng khi làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, mình sẽ phải làm gì để làm quen và bắt nhịp với công việc trong thời gian ngắn nhất”, nữ sĩ quan người Hà Nội chia sẻ.
Sĩ quan gìn giữ hòa bình khi làm việc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan phải tự thuê nhà, tự nấu ăn trong điều kiện thiếu thốn, song thiếu tá Nga tự tin làm được. Chị đặt mục tiêu làm quen với môi trường và ổn định trong 1-2 tháng.
Sĩ quan gìn giữ hòa bình không phân biệt nữ hay nam
Trong hơn một năm tập huấn, thiếu tá Nga thường xuyên được cử đi học chuyên ngành gìn giữ hòa bình do Liên Hợp Quốc tổ chức ở nước ngoài, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Sri Lanka, Uganda. Chị cảm thấy may mắn khi học được rất nhiều kỹ năng sinh tồn, cách ứng xử và phương pháp đàm phán bên cạnh kiến thức về quân sự. Những người tham gia giảng dạy đã công tác ở Phái bộ nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế để truyền đạt.
Trong một khóa học dành riêng cho phụ nữ hồi tháng 7, chị được dạy xử lý tình huống khi gặp nạn nhân bị cưỡng bức. Chị được hướng dẫn cách trấn an tâm lý nạn nhân, giúp họ gạt bỏ ngượng ngùng để nhận sự giúp đỡ, tiêm phòng HIV/AIDS và các bệnh lây truyền trong vòng 72 giờ.
Ở Hàn Quốc, thiếu tá Nga học lái xe hai cầu, đối phó khi hỏng lốp, sơ cứu khi bị thương và gặp người bị thương… Trong khóa học về tham mưu, chị được giao tình huống bị bắt làm con tin khi đang đi tuần tra, tìm cách giải thích và thuyết phục để nhóm bắt cóc đồng ý thả người, nếu không sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian ở Việt Nam, thiếu tá Nga tham gia các lớp của chuyên gia Australia và Mỹ để cải thiện khả năng ngoại ngữ. Họ đều là người bản địa ở quốc gia nói tiếng Anh và tham gia quân đội nên có thể vừa dạy về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, vừa giúp nâng cao phát âm, ngữ pháp cho các sĩ quan.
Chị được những người đi trước như thượng tá Nguyễn Xuân Thành, người từng làm nhiệm vụ tại Phái bộ ở Cộng hòa Trung Phi, chia sẻ cách ươm giống, trồng rau, lắng nghe những câu chuyện khó khăn khi thiếu thốn lương thực, cách giữ tinh thần chủ động và cầu thị trong mọi tình huống.
“Kiến thức đã đóng gói trong đầu, hành lý đã đóng gói ở nhà. Tôi đang trong tâm thế chỉ đợi ngày lên đường”, thiếu tá Nga khẳng định.
Khi sang Nam Sudan, thiếu tá Nga đảm nhiệm 12-15 đầu việc Liên Hợp Quốc giao, trong đó có tổng hợp và cập nhật tình hình bản đồ tác chiến ở phân khu được chỉ định, trực ban ở trung tâm tác chiến thuộc sở chỉ huy Phái bộ, chuẩn bị báo cáo và các bài thuyết trình đặc biệt về tình hình xung đột xảy ra ở địa bàn. Chị cũng phải phối hợp liên lạc với các cơ quan liên quan để thông báo tình hình tai nạn thương vong, theo dõi và nắm bắt dữ liệu tác chiến ở Phái bộ.
“Với sĩ quan gìn giữ hòa bình, họ không phân biệt nữ hay nam. Công việc tôi đảm nhiệm như nam giới. Không phải vì là nữ nên bạn được ưu tiên chỉ trực ngày, không trực đêm. Tôi sẽ không từ chối việc gì trong khả năng vì muốn giữ hình ảnh người lính Việt Nam”, thiếu tá Nga nhấn mạnh.
Chuẩn bị tâm lý cho các con khi vắng nhà
Thời gian đầu, người nhà không ủng hộ quyết định chị Nga đi Nam Sudan. Tuy nhiên, quyết tâm và tình yêu của chị đối với việc gìn giữ hòa bình đã thuyết phục được mọi người. Bố mẹ chồng động viên chị tập trung vào công việc, có thể tạm gác chuyện con cái để ông bà lo. Ông xã hứa làm thay vai trò của người mẹ, nhắc nhở hai con thường xuyên hơn trong thời gian mẹ không có nhà.
“Phụ nữ không dễ gì bỏ gia đình đi cả năm, nhưng tôi được gia đình ủng hộ nên cũng yên tâm phần nào”, thiếu tá Nga nói. Có hai con trai, một lớp 4, một lớp 6, chị chuẩn bị tinh thần cho các con khi thường xuyên vắng nhà đi tập huấn. Câu chuyện về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được đan xen trong các bữa ăn, những lúc chơi và dạy con học bài.
“Tôi nói thời gian tới mẹ đi xa nhưng là để giúp đỡ người khó khăn. Nếu các con nhớ mẹ thì hãy cố gắng học tập và yêu thương nhau, nghe lời bố và ông bà. Bây giờ có nhiều phương tiện, mẹ sẽ gọi điện và vẫn nhìn thấy các con hàng ngày. Khi biết mẹ có thể không về Tết, hai con không nói gì, chỉ quay mặt đi và rơm rớm nước mắt làm tôi xúc động, phải lảng sang chuyện khác”, chị Nga kể.
Thay vì mở iPad chơi game, các con chị thường tìm hiểu về công việc của mẹ qua những bộ phim, thông tin trên mạng. Nghe mẹ kể về chuyến công tác hai tuần ở châu Phi, về các bạn nhỏ không may mắn được sinh ra ở đất nước hòa bình, con trai chị chọn ra một số đồ chơi, sách, quần áo còn mới nhưng ít mặc, để vào balo riêng nhờ mẹ chuyển giúp khi có dịp. Chị bảo đó là bài học rất lớn cho con mà nghề nghiệp của một sĩ quan gìn giữ hòa bình đã mang lại.
Với quy định nghỉ phép 2,5 ngày mỗi tháng, chị dự định dồn phép về nhà một tháng vào hè sang năm, đưa các con đi tham quan và kể về Nam Sudan.
“Tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, nếu có niềm tin và đam mê thì cứ theo đuổi. Vì tôi cũng chưa từng nghĩ khi đã chạm tuổi nhiều phụ nữ xem là an phận mà vẫn còn đi học tiếng Anh, thay đổi công việc và cách tư duy. Tôi nghĩ mình sẽ làm được. Các bạn trẻ hơn tôi không có lý do gì không thể làm và thành công”, chị nói.
Trong hơn ba năm gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã cử được 19 sĩ quan đi làm nhiệm vụ. Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga là người thứ 20, tăng tỷ lệ nữ tham gia gìn giữ hòa bình và thể hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc là bình đẳng giới. Hiện Nam Sudan có hai sĩ quan Việt Nam, đồng thời có sự tham gia của một số nữ sĩ quan từ nước khác.