Trong cả nghìn người chuyên đi tìm phế liệu chiến tranh ở Quảng Trị, có một số chỉ cần nhìn trên mặt đất là biết sâu bên dưới chục mét có quả bom tạ ẩn giấu. Họ được gọi là những người "bói" bom, dựa vào kinh nghiệm để đoán biết hướng đi của quả bom rồi đào bán.
Ông Nguyễn Văn Sơn (54 tuổi, trú xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh) là một trong số người "bói" bom có tiếng. "Ruộng đất ít, không nghề nghiệp nên mới phải làm nghề giỡn mặt tử thần, chứ ai muốn", ông Sơn chép miệng nói.
Năm 24 tuổi, ông Sơn bắt đầu theo nghề rà phế liệu, thường đi thành nhóm 3-5 người. Giữa vùng đất tương đối bằng phẳng, nếu phát hiện một hố hình lòng chảo, sâu gần một mét, rộng một đến hai mét là khả năng có bom tạ bên dưới.
Những người "bói" bom dùng cuốc đào sâu khoảng 1,5 đến hai mét, nếu thấy ở giữa có luồng đất hình trụ mềm, hai bên cứng, đất có màu xám đen thì xác định đúng là quả bom đã chui xuống.
Ông Sơn lý giải, quả bom rơi, khoan sâu vào lòng đất sẽ để lại một ống trụ tròn bằng với đường kính bom. Năm tháng trôi qua, đất và lá cây rơi xuống lấp đầy vùng đất rỗng này, tạo thành vùng đất mềm và đen hơn, trong khi đất xung quanh bị nén lại sẽ chặt cứng. Ngoài ra, những cánh bom bằng nhôm ở đuôi sẽ để lại vết oxy hoá trắng xanh theo đường đi.
Với cây cuốc cán dài hơn nửa mét, một người đào hố đường kính tầm 70-80 cm, người còn lại phía trên kéo đất lên. Người ở trên còn có nhiệm vụ buộc lá cây, thả và kéo liên tục ở hố đào để cấp oxy cho người bên dưới. Những khi mệt, họ lại thay phiên nhau cho đến khi kéo được quả bom lên mặt đất.
Tuy nhiên, không hẳn quả nào cũng cắm thẳng xuống đất. Có quả đi xiên, buộc nhóm ông Sơn phải đoán hướng rồi đào cách hố ban đầu 3-5 m. "Nhiều quả phải đào 3-4 hố đón hướng mới lấy được bom lên. Có quả gặp chướng ngại rồi lao ngược trở lại mặt đất ở phía đối diện vài chục mét", ông Sơn kể. Gặp quả bom phải đào đón hướng, nhóm ông mất 5-7 ngày mới trục được.
Cũng có trường hợp bom ục, tức nổ dưới lòng đất. Nó tạo ra vùng đất rộng và mềm, có mảnh sắt rải rác. Những người có khứu giác tốt, ngửi được mùi thuốc nổ, biết được bom ục thì dừng đào sớm, đỡ tốn công sức vì không có giá trị.
Người "bói" bom đối diện với nguy hiểm khi gặp mạch nước ngầm. Năm 2004, một người đàn ông ở xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) bỏ mạng dưới lòng đất 10 mét do gặp mạch ngầm, hố bom bị sập. "Mạch nước mạnh, đất sập nhanh nên không cách gì ứng cứu, nếu xuống cứu có khi còn chết nhiều người hơn", ông Sơn thở dài kể về tai nạn của đồng nghiệp.
Bom đào được bán cả quả cho đầu nậu. Cao điểm, nhóm ông Sơn đào được hai quả một tháng, thu nhập mỗi người một triệu đồng. Đến năm 2000, người lính công binh từng đi nghĩa vụ Campuchia giai đoạn 1984-1988 nghỉ hẳn nghề "bói" bom, chuyển làm thợ xây dựng.
Hiện nay, các nhóm "bói" bom không còn đất hành nghề, thay vào đó là những người rà lén lút bằng máy rà kim loại ở độ sâu 10-15 m. Một người làm nghề tiết lộ máy giá từ 100 đến 300 triệu đồng, do nước ngoài sản xuất. Cũng dựa vào mắt thường để phát hiện hố khả nghi, nhóm này dùng máy rà xác định chính xác vị trí. "Bốn năm người chỉ mất một đêm để đào và đưa quả bom lên mặt đất", người đàn ông trung niên làm nghề nói.
Dù mua bán bom đạn là trái phép, nhóm ông Sơn không gặp rắc rối với pháp luật. Theo một thẩm phán TAND Quảng Trị, các tội danh liên quan đến mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép vật liệu nổ hay vũ khí quân dụng có từ Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu xây dựng kinh tế mới, với mức độ ô nhiễm bom mìn rất cao, việc bắt gặp bom đạn ngay vườn nhà, ruộng đồng là bình thường. Do đó, quan điểm xử lý của nhà chức trách nhẹ nhàng hơn.
Sau này, thuốc nổ gây nhiều nguy hiểm cho xã hội, được sử dụng trái phép trong khai thác thủy sản và tài nguyên, thậm chí trong các vụ án phạm pháp nghiêm trọng, nhận thức pháp luật tăng cao nên việc xử lý chặt chẽ hơn.
Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ chiến tranh đứng đầu cả nước, với 82% tổng diện tích đất đai (trên 390.000 ha) bị ô nhiễm. Theo số liệu từ Bộ chỉ huy quân sự, tỉnh hiện còn hơn 100.000 tấn bom mìn chưa phát nổ. Thực trạng này làm hình thành một nghề độc nhất vô nhị, thường xuyên đối diện với nguy hiểm là rà tìm phế liệu chiến tranh.
Những năm 1980-1990, người dân các xã ven sông Bến Hải, nơi phân chia giới tuyến trong chiến tranh chống Mỹ, đổ xô đi nhặt phế liệu bán lấy tiền. Sau năm 1990, khi phế liệu lộ thiên hết, người dân mua máy rà kim loại hành nghề.
Thống kê của Trung tâm Điều phối Khắc phục hậu quả chiến tranh tỉnh, từ năm 1975 đến nay, Quảng Trị có 8.540 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.431 người chết. Trong số này, có rất nhiều người làm nghề rà phế liệu.