Thứ sáu, 5/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Mùa thu năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường". Năm đó, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam chỉ có hơn 20 tỷ USD, Mỹ mới dỡ bỏ cấm vận, đất nước chưa hội nhập hoàn toàn.

Trong hơn hai mươi năm sau đó, nền kinh tế lột xác. GDP đã tăng gần 10 lần. Những nghị quyết kinh tế từ những năm 90 nhìn lại đã trở nên vô cùng khiêm tốn.

Trong hơn hai mươi năm đó, tổng số học sinh các cấp của Việt Nam chỉ tăng hơn 30%, từ 15 triệu lên 22 triệu. Việt Nam vẫn duy trì tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục thuộc nhóm cao của thế giới. Nhưng "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" vẫn là một khái niệm xa vời ở nhiều nơi.

Ở Tương Dương, Nghệ An, May Ất năm nay lên lớp tám. Chưa một ngày em được cha mẹ đưa đến trường: bố chết vì ma túy; mẹ đã bỏ đi. Em tự làm rẫy thuê kiếm cho mình một đôi dép nhựa, đi bộ hai mươi cây số mỗi mùa tựu trường.

Cách đó bảy trăm cây số, Vàng Thị Nga cũng đi bộ đến trường: cô bé dành một phần sáu thời gian trong năm chỉ để đi bộ đến lớp hàng ngày, băng qua những con suối và đường mòn của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang.

Đi về phía Nam hơn một nghìn cây số nữa, bạn sẽ gặp thầy Hải. Trường của thầy nằm gần biên giới Campuchia. Mùa tựu trường, thầy đến nhà từng học sinh, "hối lộ" từng miếng ăn, cuốn vở, để mong các em được phụ huynh cho đến trường. Bản thân thầy sống trong một túp lều dưới gốc cây.

Mùa thu năm 2018, khi Việt Nam vừa công bố mức tăng trưởng nửa đầu năm ngất ngưởng hơn 7%, những câu hỏi về "mù chữ" và "cơ sở vật chất" của giáo dục miền núi vẫn nóng trên nghị trường Quốc hội.

Trong một báo cáo của UNDP và Ủy ban dân tộc năm 2017, khảo sát 16 nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay, chưa đầy 3/4 trẻ em được đi học đúng cấp. Ở 39 nhóm dân tộc thiểu số, có dưới 3/4 người trưởng thành biết đọc viết chữ phổ thông. 

Trong "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" năm nay, VnExpress khảo sát ba ngôi trường ở vùng phên dậu của tổ quốc: một ở sát biên giới Campuchia, một nằm trên tuyến đường vận chuyển ma túy sát biên giới Lào, và một nằm gần biên giới Trung Quốc.

Ở những vùng sâu đó, khi các vấn đề kinh tế - xã hội xuất hiện một cách cực đoan, mái trường thậm chí trở thành nơi trú ẩn cuối cùng của tuổi thơ. Và ngay cả khi đã tìm được đường đến trường, duy trì được việc học vẫn là mơ ước của nhiều đứa trẻ.

Một ngày Hè năm lớp bảy, sau tiết thể dục, Xeo Nguyên thấy gai gai người, đau bụng. Con bé khóc trong nhà vệ sinh khi nhìn thấy máu, không hiểu chuyện gì xảy ra. Nó hoảng sợ tìm May Ất, người bạn gái thân ở bản Chăm Puông, học cùng trường bán trú xã Lượng Minh. Sau một hồi lục cái rương gỗ nhỏ, May Ất tìm được một miếng băng vệ sinh. Loại năm nghìn đồng một gói những hàng rong thường đi xe máy chở vào tận bản rao bán. Ất nói cho Nguyên biết, con gái sau này mỗi tháng sẽ một lần như vậy.

"Sách giáo khoa môn Sinh học lớp 8 mới có bài giảng về chu kỳ kinh nguyệt", Xeo Nguyên ngại ngùng kể.

Vị trí của Lượng Minh so với biên giới Lào và TP.Vinh

Không ai nói cho Nguyên biết rằng con gái đến tuổi dậy thì lần đầu tiên sẽ đau bụng. Cô giáo chưa nói và người mẹ cũng không. Nguyên học lớp sáu thì bố đi trại cai nghiện bắt buộc. Nguyên lên lớp bảy thì mẹ bỏ đi Trung Quốc làm ăn. Cô học trò 13 tuổi sống với bà nội và hai đứa em đang học tiểu học.

May Ất và Xeo Nguyên mang thân phận đặc trưng của những đứa trẻ lớn lên ở "thủ phủ ma túy" Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An. Hai đứa trẻ coi mái trường là nơi trú ẩn cuối cùng khỏi cuộc đời khắc nghiệt. Mười ba năm trước, mẹ Ất vượt biên sang Trung Quốc và chưa bao giờ trở lại. Sáu năm sau đó, bố Ất chết vì nghiện ma túy.

Lượng Minh nằm cách xa đường biên với Lào, nhưng vẫn trở thành điểm trung chuyển ma túy của cả vùng. Ma túy từ Lào về, men theo giông của đỉnh Pù Lôm, theo Khe Cụt, Khe Mát mà tỏa về các bản. Những cái tên như bản Xốp Mạt hay bản Đửa khiến người bản địa một thời cũng không dám bước chân vào.

Mấy năm gần đây, những đường dây buôn bán bị triệt phá một phần nhưng chưa dứt hẳn. Điểm nóng hạ nhiệt, Lượng Minh lại có thêm những cái tên mới: "bản không chồng", "bản mồ côi".

58 người đang thụ án liên quan đến ma túy, 29 người mãn hạn tù, 125 người nghiện và 21 người đang cai nghiện bắt buộc là những con số "sơ bộ" về tình hình ma túy mà công an xã Lượng Minh cung cấp. Và trong danh sách các lớp học nơi này, đều có dòng chú thích về hoàn cảnh "mồ côi cha", "mồ côi mẹ", hoặc cả hai đang thụ án vì liên quan đến ma túy. Trung bình 7 học sinh Lượng Minh lại có một em hoàn cảnh như thế.

Những đứa trẻ như May Ất hay Xeo Nguyên không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm bạn bè. Chúng thường chơi với những bè bạn có hoàn cảnh tương tự mình.

Tỷ lệ hộ nghèo tại Tương Dương là hơn 40%, gấp hàng chục lần mặt bằng tỉnh Nghệ An.

Năm học mới của Nguyên và Ất bắt đầu từ cuối tháng tám. Tương Dương mưa nhiều, nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng Nậm Nơn cuộn lên đục ngầu. Nước suối Khe Cụt, Khe Mát đều dâng cao, réo ầm ầm. Bản Chăm Puông cách trường gần 20 km.

Sáng hôm ấy, Nguyên dậy sớm nấu cơm. Mớ rau rừng chiều hôm trước chia làm đôi, một nửa xào cho hai đứa em đùm kèm cơm nắm đi học, nửa còn lại đổ thêm ít nước nấu canh thành bữa sáng của bốn người.

Con bé xách cái túi hay đi nương, đựng tất cả gia tài của năm học mới: một bộ đồng phục và một bộ quần áo ở nhà. 

Bố Xeo Nguyên đang đi cai nghiện bắt buộc, mẹ em đã đi Trung Quốc.

Hôm ấy, Ngân Thị May Ất cũng xuống trường với 50 nghìn đồng cùng gói xôi trắng. Hành trang bước vào năm học mới của May Ất còn có thêm đôi dép nhựa 30 nghìn. Đó là phần thưởng em tự thưởng cho mình sau hai tháng nghỉ hè đi làm thuê, dậy từ 4 giờ sáng và cặm cụi làm lụng đến 5 giờ chiều. 

Quãng đường từ nhà đến trường dài bốn giờ đi bộ. Tám năm đi học là cũng chừng ấy năm Ất quen với việc đến trường một mình.

Xeo Nguyên, May Ất và rất nhiều đứa trẻ còn đang được đi học ở Lượng Minh này đều không thích kỳ nghỉ hè. Mỗi mùa tựu trường, dù phải đi bộ với đôi dép rách, thuê xe lai hay vượt qua hàng chục khúc suối cạn, chúng đều muốn đến lớp.

Trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh nằm trên một ngọn đồi cao đã trở thành một chốn nương thân, nơi bọn trẻ được ăn no một ngày ba bữa. Ở đó, chúng tránh được trận đòn roi của những người cha nghiện ngập và rộng hơn là cả một tuổi thơ đầy nhọc nhằn.

Lần đầu tiên Ất được nghe giọng mẹ là qua điện thoại. Cuộc gọi về từ Trung Quốc, cách đây bốn năm. Hôm ấy, Ất đang chăn trâu sau nhà. Khi lũ trẻ hàng xóm chạy ra báo tin mẹ Ất gọi điện về, em đã quên cả buộc trâu, chân trần chạy một mạch về bản. Nhưng sau câu ấy, cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa hai mẹ con kết thúc. Ất không kịp nói gì. Mẹ không biết tên em, cũng không hỏi. Mẹ bỏ đi từ ngày chưa đặt tên cho Ất.

Ngày 12 tháng 4 năm 2005, cô bé người Khơ Mú ra đời cũng chính là ngày người cha vét những cân thóc cuối cùng đi bán để mua ma túy và đuổi mẹ con Ất ra khỏi nhà. Về với ông bà ngoại được hai tháng, Ất chính thức trở thành đứa bé mồ côi. Một ngày, người mẹ lặng lẽ gói đồ đạc bỏ đi. Ất lớn lên với ông bà ngoại.

Năm ấy Ất mới 6 tuổi, chưa đủ lớn để hiểu được ý nghĩa của cụm từ "đồ con hoang" mà những đứa trẻ trong bản gọi mình. Nhưng 6 tuổi đã đủ để ký ức hằn những trận đòn roi "như dành cho kẻ thù" từ người cha nghiện.

Cha Ất ở cùng bản nhưng không ở chung nhà. Tuổi thơ Ất sợ nhất những lần gặp cha. Ông thường qua nhà ngoại tìm Ất với hai lý do: hoặc cấm em đi học và bắt lên rẫy làm việc; hoặc lấy đi bất cứ thứ gì có thể bán ra tiền, từ cái xe đạp, đến khóm măng, hay quả trứng vịt, trứng gà. Ất chỉ biết chạy trốn khi thấy bóng dáng người cha.

Người đàn ông đã chết vì ma túy vài năm trước, không lưu lại được gì cho con gái ngoài những ký ức buồn đau.

Có lần, bố trói em lại rồi nhét vào bao tải thả trôi sông Nậm Nơn, may có người trông thấy cứu được. Lần khác, bố trói tay em lại, treo lên xà nhà để khỏi đi học. Thầy cô thấy Ất nghỉ học, biết em lại bị đánh, tìm đến tận nhà cởi trói rồi đưa xuống trường.

Ất không nhớ rõ ngày cha mất, chỉ nhớ trước đó một hôm ông vẫn mang dây thừng lên tận trường học tìm em...

Xeo Nguyên cũng nhớ về cha với những ký ức tương tự. Nguyên biết ông hút từ hồi em vào lớp một. Bố hay hút ở nhà, hút cả trước mặt mấy chị em.

Bố Nguyên bán đi hai căn nhà để lấy tiền mua ma túy. Bán chỗ này lại tìm quả đồi cao hơn dựng nhà khác, rồi lại bán. Mỗi lần em bảo bố đừng hút là một lần bị đánh. Có lần, bố lấy chân đạp vào ngực, vào bụng.

Lúc bố Nguyên muốn mua thuốc mà không có tiền thì đánh cả mấy mẹ con. "Sợ lắm, lần nào cũng phải chạy thật sâu vào rừng để trốn. Mệt quá, đói quá thì uống nước suối". "Trong bản có nhiều người như bố lắm".

Nguyên và Ất là người Khơ Mú - một trong những dân tộc sinh sống tập trung ở Tương Dương này. Và chắc chắn không phải tự nhiên, mà Khơ Mú nằm trong nhóm những dân tộc có tỷ lệ mù chữ cao nhất cả nước. Cũng không phải tự nhiên, mà họ thuộc về nhóm có tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ chênh lệch nhiều nhất.

Tỷ lệ biết chữ với nam và nữ của một số cộng đồng dân tộc thiểu số.

Hơn 4h chiều, căn bếp tập thể của trường nghi ngút khói. Mùi canh măng, cơm chín tỏa ra khắp dãy nhà bán trú của học sinh cách đó một khoảng sân. Cơm chiều có măng nấu với xương cục và hơn 400 quả trứng vịt luộc. Các cô phụ bếp xới cơm đã chín, chia đầy ra những chiếc xoong nhôm. Bên khu phòng ở, học sinh chia nhau trực nhật, giặt quần áo, lên rừng lấy củi. Tiếng nước chảy, tiếng học sinh gọi nhau, ồn ào như một khu tập thể nhỏ.

284 học sinh thuộc diện bán trú của Lượng Minh ở lại gần như tất cả các ngày trong tháng, không về nhà kể cả cuối tuần. Trường bán trú gần như trở thành trường nội trú. Với chính sách hỗ trợ cố định của Nhà nước, đơn giá một ngày ăn của các em khoảng 17 nghìn đồng.

Khung cảnh bếp ăn chung của THCS Lượng Minh.

"Một ngày ăn của học sinh chưa bằng giá một bát phở, nhưng nhà trường vẫn cố gắng xoay sở để có thịt, cá, rau, măng trở bữa", thầy Hiệu phó Trần Đức Dương giãi bày.

Thế mà năm học mới nào, nhà trường cũng "ngót" đi vài học sinh. Đó thường là những em nhà có biến cố, bố hoặc mẹ đi tù, đi cai nghiện, hoặc không có tiền đi học nên các em chọn "đi công ty" - tức là tha hương đi kiếm việc làm thuê. Thầy cô đến nơi thấy cửa nhà học trò khóa, bố mẹ đi rẫy. Thầy cô tìm lên tận rẫy thì bố mẹ chỉ bảo "Nó đi công ty rồi". Họ không biết bọn trẻ đi đâu, hoặc không có cách nào liên lạc được.

Giường ngủ của Ất ở trường bán trú.

Mỗi lần Nguyên xuống trường, bà nội thường cho cháu gái 70 nghìn làm lộ phí đi đường. 50 nghìn để trả tiền xe lai đưa em xuống Lượng Minh và 20 nghìn còn lại dùng để mua băng vệ sinh hàng tháng. Mỗi tháng hai gói hết 10 nghìn đồng. Còn lại 10 nghìn, Nguyên dùng để mua bút khi hết mực. Cô học trò không dám và cũng không có tiền để mua thêm bất cứ thứ gì khác. Để có được số tiền đó, từ vài ngày trước, bà phải đi khắp bản hỏi vay từng nhà.

Nhưng dự định đến trường của Xeo Nguyên sẽ phải dừng lại ở năm lớp chín. "Lưng bà còng lâu lắm rồi. Em phải kiếm tiền nuôi bà, còn hai đứa em nhỏ nữa. Bỏ học thì cũng tiếc lắm", Nguyên đã tự định hướng cho cuộc đời mình. Mái trường trở thành mái ấm thứ hai của các em, nhưng không thể chở che mãi.

Nguyên chìa đôi bàn tay ra. Tay bên phải đầy những vết chai ở lòng, dấu vết của những lần cầm dao phát rẫy, làm việc nhà. Em có một vết sẹo mới, tai nạn của một lần đi phát rẫy thuê. Không có tiền mua thuốc, bà hái lá rừng cho Nguyên đắp một tháng mới khỏi.

Ất hào hứng đưa chân ra khoe đôi dép lê bằng nhựa mới mua. Đôi dép lê mới mua cho năm học mới không che hết những vết thương do giẫm vào mảnh sành, mảnh chai, rắn cắn hay trượt suối ngã. Tài sản có giá trị trong nhà em bây giờ là một con trâu và 15 bao thóc. Nhưng Ất không chắc lần sau khi về thăm nhà liệu có còn trâu, còn thóc. Người anh trai 17 tuổi của Ất cũng sống với ông bà, nghiện ma túy đã hơn bốn năm nay.

"Giá mà bố không nghiện ma túy, chắc bố sẽ không đánh em đâu", May Ất không nhắc đến sự ghét bỏ người cha trong suốt cuộc trò chuyện.

Những ngày đầu năm học ở trường A Ba Chúc có màn gội đầu. Các cô mua thuốc diệt chấy, đưa em ra nhà vệ sinh gội đầu. Thứ nhất để dạy em cách vệ sinh, bao gồm cả gội đầu, rửa mặt, rửa tay chân và cả cách đi vệ sinh vì ở nhà ba mẹ không dạy. Thứ hai, tránh các em lây chấy cho bạn khác.

Có những em đi học mới biết đi dép. Vào trường chân đất, các thầy cô mua dép, dạy em cách mang dép tới trường, thậm chí phải giám sát và nhắc nhở liên tục vì sao phải đi dép. Nhiều em đeo dép quai hậu khó chịu nên hay bỏ dép ra.

Vị trí của Ba Chúc so với Campuchia và TP. Long Xuyên

Một trong những cách thực hiện "chống bỏ học" là tổ chức thật lớn các ngày hội như tết trung thu, ngày hội kéo co, đá banh, nhảy bao bố, học hát, thi văn nghệ, thể dục vào ngày nghỉ, ngày lễ, em nào tiếng Kinh yếu thì thầy cô phụ đạo thêm bằng nhiều cách... làm sao để em vì ham vui mà không bỏ trường.

Cuộc sống của những thầy cô ở vùng biên không chỉ có giảng dạy. Mỗi mùa tựu trường là một mùa vận động học sinh đến lớp - bằng nhiều loại hình ngoại giao.

Trước ngày khai giảng, thầy Hồ Văn Nguyên, Hiệu trưởng trường A Ba Chúc ghé xe máy vô nhà hai bé Cẩm Loan và Phong Lan học lớp một và hai, nhắc bà nội cháu mai ghé phòng thầy nhận bộ sách giáo khoa thầy tặng. Mẹ hai bé bỏ đi từ nhỏ, bà nội và bố em đều đi làm mướn nuôi ba đứa trẻ.

Thầy mang tới cho bà từ mấy cây cột dựng nhà, hay "sang tôi cho cái bàn, cho cái ghế". Vợ thầy bán phở, thầy thường bảo vợ nhắn phụ huynh mang nồi sang đây tôi cho ít nước súp về nấu cho bọn nhỏ ăn. Nhưng rồi bà nội hai bé chỉ bảo: "Thầy tốt lắm. Nhưng cái nhà này tôi còn đi ở đậu. Nghèo khổ muốn chết làm sao đi học được".

Thầy Hải trước "căn nhà" dưới gốc cây của mình.

Hoặc như thầy Hải cố giữ "quan hệ ngoại giao" với ông sãi cả, trụ trì của ngôi chùa gần sóc. Ở đây, người Khmer không ai trái lời khuyên của ông. Ông cho họ ngày cưới, ngày làm nhà, khuyên họ đi khám bệnh... như chỗ dựa về tinh thần của cộng đồng này. Cha mẹ nào không cho con đi học, hay bắt con nghỉ học đi làm mướn, thầy Hải đến gặp ông, giải thích và nhờ ông nói với gia đình. Ông Mon đã nói "Để nó ra lớp đi cho thoát nghèo" thì kiểu gì cha mẹ cũng nghe. Người Khmer chỉ tin vào sãi cả của mình.

Thầy Hải đã 38 tuổi, làm việc ở trường A Ba Chúc hơn chục năm, nhưng thầy vẫn chưa đủ tiền làm nhà và chưa dám nghĩ đến chuyện hỏi vợ vì "mình nghèo vầy đâu dám làm khổ lây ai". Nhà thầy có mấy cái cột chính là thân cây vú sữa và cây gạo. Nhờ mấy cái cây mà các tấm tôn cột vào neo cái nhà lại, gió bão không bị đổ. Vách nhà vừa bằng thân tre và các tấm áo mưa, tấm bạt, lá dừa hay tấm tôn ráp nối. Đêm ngủ mà trời mưa, nước rỏ xuống mặt là chuyện thường.

Các thầy cô giáo trong trường nói cái "tội" lớn nhất của thầy Hải chính là hiền quá. Thầy như cục đất. Làm công việc thì rất nhanh, rất giỏi, không bao giờ kêu ca, ai nhờ cũng giúp. Thầy chuyên giúp các phụ huynh không biết chữ điền hồ sơ và sổ liên lạc cho con. Nhưng vì hiền, nên 40 triệu đồng thầy ky cóp được định làm nhà bị người ta vay, rồi quỵt nợ không trả. Cái xe máy, tài sản đắt giá nhất trong nhà thì mới bị lấy cắp tháng trước. Thầy đi ăn cưới, ăn xong ra không thấy xe đâu. Họ bảo ở huyện này ai cũng biết nhau. Người lấy cắp chắc chắn biết thầy quá hiền nên mới dám lấy xe thầy.

Thầy Nguyên có một bí quyết, ra thành quy định của trường hẳn hoi: riêng học sinh người Chăm và Khmer được nghỉ học vào các ngày tết và lễ hội của dân tộc mình. Ngày thu hoạch các em cũng được nghỉ để đi làm nếu gia đình yêu cầu, mặc dù thầy cô biết các em chưa đến tuổi lao động. Các em người Kinh vẫn đi học bình thường rồi sau này cùng thầy cô kèm lại cho bạn.

Vì sao học sinh ở đây dễ bỏ học? Vì rất nhiều hộ gia đình dạt về từ bên kia biên giới. Hầu hết cha mẹ không nghề nghiệp, không biết chữ, không có đất, không có nhà, nên ở đâu dễ kiếm ăn họ sẽ đưa cả nhà đến đó. Có những em do học yếu nên chán.

Chao Thét, học sinh trường tiểu học A Ba Chúc.

Tri Tôn là huyện nghèo nhất của An Giang. Cả huyện có 8.342 hộ nghèo; 2.347 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Con số này là chưa tính số hộ cận nghèo, ở vùng này chỉ được coi là "hơi khó khăn". Có 6.300 lao động thất nghiệp, theo báo cáo của huyện.

Địa bàn biên giới An Giang dài 96,6 km giáp hai tỉnh Candal và TaKeo của Campuchia. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở đây rất thấp so với cả nước và khu vực. Số học sinh bỏ học trung bình toàn tỉnh An Giang ở cả ba cấp những năm gần đây lên tới 14% - gấp mười lần trung bình cả nước.

Chao Thét, 7 tuổi, học lớp Hai, nặng 18 kg, có mơ ước được ăn "đầy nhóc" thịt.

Bữa sáng kiêm bữa trưa của anh em Chao Thét đựng trong cái rổ nhựa rách, treo trên nóc bếp, còn lại hơn nửa nồi cơm, một quả trứng vịt luộc, hai miếng đậu chiên, bốn cọng rau muống.

Nhà em ở phum Nang Tor, trong một sóc của người Khmer ở huyện Tri Tôn. Ba mẹ Chao Thét làm thuê nên ai gọi là đi, mấy đứa trẻ đã quen ở nhà trông nhau. Nhà em là các thanh tre ghép lại, lợp bằng các miếng tôn, nền đất, "phòng" ngoài cách với phía sau bằng mấy miếng áo mưa.

Tài sản quý nhất là vài bao lúa còn ướt để trang trọng giữa "phòng khách". Một cái quạt hoa sen bị rách cánh, một cái tivi 14 inch nhưng mở không lên. Buồng trong có hai miếng gỗ gác trên mấy cọc tre để ngủ. Chao Thét cũng không có góc học tập.

Ở nhà không ai dạy em học, vì mẹ không biết chữ. Khi rảnh rỗi em đọc bài cho cha mẹ nghe. Tức là, ngoài nhiệm vụ đi học, cậu bé lớp Hai còn có nhiệm vụ đem chữ ở trường về cho hai phụ huynh ở nhà.

Đó là lý do em thích ở trường. Ở trường có bàn ghế để ngồi viết, có các bạn để chơi. Trường cho em đủ thứ, được học, được có sách giáo khoa, được có đồng phục, được chơi.

Một phần sáu thời gian trong năm, Vàng Thị Nga dùng để đi bộ đi học. Một ngày của em bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng. Hai anh em Nga và Hiệp không cần ai gọi, cũng không có đồng hồ báo thức. Nếp sinh hoạt của những đứa trẻ miền núi sớm phải gánh vác việc nhà khiến chúng luôn thức dậy đúng giờ.

Bên cái bếp lò đắp bằng bùn cao ngang ngực, đứa nhóm củi thổi cơm ăn sáng cho cả nhà, đứa băm thân chuối, lá rừng, nấu đầy một chảo rau cho năm con lợn. Chúng và vội bát cơm trắng, rồi bới nốt cơm lẫn cháy còn lại san vào hai túi nylon làm đồ ăn trưa, bỏ vào bị vải, quàng qua vai rồi đi ra cổng. Phía trước Hiệp và Nga là quãng đường hai tiếng đồng hồ qua tám cây số đường núi.

Vị trí của Chiến Phố so với Trung Quốc và TP Hà Giang.

Xã Chiến Phố nằm chênh vênh trên độ cao 2.000 m của huyện Hoàng Su Phì quanh năm mây phủ. Đường từ huyện lị lên xã là những con đèo dốc đầy khúc cua tay áo, vương lại dấu vết của những đợt sạt lở mùa mưa.

Trung tâm xã chỉ có vài nếp nhà. Thời điểm có hơi người nhất của nơi đây là chợ phiên sáng thứ Bảy. Dân địa phương tụ tập lại bán những quả su su già, những quả đào chua trong vườn họ địu xuống bằng chiếc gùi tre, mấy thứ đồ gia dụng Trung Quốc hay dép nhựa bày trên tấm bạt, chào hỏi nhau dăm ba câu rồi lại cuốc bộ quay về. Lấp ló dưới những tán ô xòe xanh đỏ, mỗi người mỗi nẻo khuất từ từ vào các nhánh rừng riêng rẽ.

Trường PTDT bán trú THCS Chiến Phố nằm trên ngọn đồi bên cạnh. Thứ duy nhất để phân biệt trường học với những ngôi nhà rêu phủ xung quanh là tấm bảng tên dựng trên hai thân sắt hình trụ đã han màu. 

Khung cảnh trung tâm xã Chiến Phố nhìn từ sân trường THCS Chiến Phố.

Thầy hiệu trưởng Đào Hữu Vịnh vẫn giữ lại trong ngăn tủ những xấp biên bản Vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Ở phần ý kiến gia đình và học sinh luôn lặp lại những câu quen thuộc: "Em Sủi đi sang Trung Quốc làm thuê chưa về", "Gia đình nhà chồng bên Thàng Tín không cho đi học", "Em Thào Thị Dình không muốn đi học nữa".

Mười tám năm trước, khi thầy Vịnh mới về Hoàng Su Phì, bùn đất vẫn ngập những con đường ngoằn ngoèo qua núi và lũ trẻ nhìn thấy cô thầy vẫn còn sợ sệt, nhảy vào bụi cây tránh mặt. Bây giờ, đường đất nhão vẫn ngập ngang gối những ngày mưa, nhưng học trò đã biết khoanh tay chào và gọi thầy, xưng em thay vì "mày, tao" như trước.

"Lúc mới về mình chả nghĩ sẽ trụ lại đây lâu. Vậy mà mười tám năm trôi đi nhanh thế". Năm trước, chị gái thầy lên thăm, khóc hết nước mắt rủ em trai về. Nhưng nghĩ đến những học trò đi lấy chồng lúc 15 tuổi hay vượt biên giới làm thuê khi chưa viết rõ tên mình, thầy ở lại.

Thầy Vịnh bảo lũ trẻ của thầy như hạt ngô nương, có gieo vào vách đá cũng sẽ ngoi lên thành cây, trổ bắp.

Bốn năm trước, ở Chiến Phố, cứ 10 học sinh thì có một em bỏ trường. Chúng thôi học vì phải ở nhà chăn trâu, gặt lúa, trông em, vì phải vượt biên đi vác chuối thuê kiếm thêm thu nhập, vì dòng suối siết ngập quá đầu, vì mưa lở đất chắn lối đi xuống bản. Hay như Nha, "nhà chồng bên Thàng Tín" không muốn cho đi học nữa: cô bé mười ba tuổi đã tảo hôn.

Nga, học sinh THCS Chiến Phố, nói "sẽ tự vẫn" nếu bị bố bắt bỏ học.

Năm 2014, trường quyết định lập nhà bán trú như nỗ lực kéo lại con chữ về gần. Lù Thị Sen lớn lên ở đây từ những bữa cơm trị giá chín nghìn đồng, quanh quẩn rau bí luộc, đậu phụ xào, trứng rán, rồi lại su su luộc, thịt lợn rán, bí ngô xào, nhưng là những "bữa cơm ngon nhất" Sen nhớ được trong đời. Ở nhà, Sen chỉ quanh năm ăn cơm trắng với rau.

Phòng của Sen là một trong hai lớp học được dọn dẹp trở thành khu ở. Trong không gian 16 mét vuông, 23 nữ sinh các khối ngủ chung trên chín chiếc giường . "Bọn em kê giường lại sát nhau để nhiều bạn ngủ chung được", Sen chỉ vào những ván gỗ đơn đã võng xuống, đợ ở dưới bằng những chiếc hòm tôn, hòm gỗ làm chỗ ngủ.

Trước mùa khai giảng, các thầy cô về trường chuẩn bị cho năm học mới, lại hóa thân thợ nề, thợ mộc, bỏ tiền túi ra mua đinh, mua bạt nylon, lên rừng chặt vầu đốn củi về che chắn lại từng mảng tường bong vữa, lợp lại từng viên ngói vỡ sau mùa mưa.

Sen đạt giải nhất tỉnh Hà Giang môn Lịch sử lớp 9 năm học vừa rồi. Sen kể thật, nếu không có nhà bán trú, có khi em cũng bỏ học ở nhà từ vài năm trước. Nhưng không phải bạn nào cũng có được may mắn của Sen.

Sáu giờ sáng, khi Sen cùng bạn bè ở trường bán trú bắt đầu những hoạt động vệ sinh, thể thao cũng là khi anh em Hiệp, Nga và gần một trăm bạn sống ở những khu đồi quanh đó bắt đầu chinh phục quãng đường đến trường. 

Nga sợ suối to hơn cả sợ ma. Em hay bị rơi dép. Sợ bị mẹ mắng, Nga và cái Ngân, cái Tươi, cái Phổng hay tháo dép ra cho vào bị vải rồi bước chân trần qua những phiến đá trơn, đến khi sang bờ bên kia mới lại bỏ dép ra xỏ vào chân.

Năm trước, thầy Thành hiệu phó trường Chiến Phố bị bệnh nằm viện cả tháng. Mười hai đứa học trò đi bộ nửa ngày xuống thăm, góp tiền mua tặng thầy bốn gói mì tôm. "Thấy bọn trẻ, mình vừa vui, vừa muốn khóc".

Thầy Thành từ dưới xuôi lên, cũng là người dành cả thanh xuân "khai hoang" con chữ. Thầy gặp cô giáo cùng trường. Hai người yêu nhau nhưng cũng đắn đo nhiều rồi mới cưới, vì mặc cảm của một người thanh niên lương tháng sáu trăm nghìn. Để có thêm tiền cưới vợ, thầy giáo trẻ khi ấy đã nhận đi chôn cột điện, phụ hồ, thồ gạch...

Thầy Thành tính tình sôi nổi, lại giỏi văn nghệ lẫn thể thao. Những đứa con trai như Hiệp trong trường lúc nào cũng thích lớn lên được "như thầy Thành". Còn thầy Thành lại thấy nể học sinh của mình. Nhiều lần đến thăm học trò về, nghĩ đến đoạn đường từ nhà đến lớp, "là mình, mình nghỉ học lâu rồi".

Thầy Thành có một học trò bố vừa mất, mẹ đi tù, cả nhà chỉ còn lại ba anh em nheo nhóc không người thân. Đứa lớn nhất mới lên lớp tám, giờ bỏ học, chắc chỉ còn đường vượt biên đi chặt chuối thuê. Hội đồng nhà trường họp lên họp xuống, rồi quyết định đưa cả ba đứa trẻ về khu bán trú, "chỉ là thêm bát thêm đũa". Dù ba anh em đều không thuộc diện được ở lại trường.

Các thầy ở Lượng Minh, A Ba Chúc hay Chiến Phố đều đã quen với việc "khuyến học sai nguyên tắc" như thế. Họ phân bổ nguồn lực không theo nghị định và chương trình. Chờ đến lúc các em vào "diện hỗ trợ" thì chúng đã bỏ sang bên kia biên giới từ lâu.

Thầy Vịnh tin rằng một ngôi nhà bán trú đàng hoàng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề giáo dục của Chiến Phố: nhiều đứa trẻ sẽ được ở lại trường trong tuần, sẽ không còn phải đi bộ cả chục cây số đường rừng đến lớp, sẽ được học bài vào buổi tối, sẽ được ăn uống đúng bữa.

Hiệp - Học sinh THCS Chiến Phố

Các thầy giáo vùng biên không phải những người duy nhất nhìn thấy rằng chất lượng giáo dục ở vùng sâu sẽ được cải thiện nếu có thêm đầu tư về cơ sở vật chất. Nó vẫn nằm trong những nội dung tranh luận sâu tại Quốc hội - và vẫn liên tục nằm trong các dự thảo đặt lên bàn của Bộ Tài chính.

Thầy Vịnh nhớ, hơn một thập kỷ dạy trên Hoàng Su Phì mới nhận món quà đầu tiên từ phụ huynh tặng ngày 20/11. Họ mang cho thầy nắm hoa dại và con gà mái hơn một cân.

Cặp phụ huynh từng là học trò của thầy, hôm ấy đã ở lại mổ gà, xào nấu, rồi cùng thầy uống rượu. Vậy là hết cái lễ tri ân. Con cái họ, giờ cũng đang học bán trú trường thầy.

Nắm hoa dại ấy được kể ra như một trong những bước tiến đáng nhớ nhất trong sự nghiệp giáo dục của thầy Vịnh và cả vùng núi này. Bây giờ, thầy đang mong chờ sự cải thiện đáng kể tiếp theo: một cái nhà bán trú tươm tất để các thầy cô cùng chăm những hạt ngô trong vách đá của họ.

Bài: Hoàng Phương, Thanh Lam, Hồng Phúc
Ảnh: Ngọc Thành, Thành Nguyễn, Chu Việt Bắc
Đồ họa: Tiến Thành

Vì bạn đã đọc hết bài này, chúng tôi có một đề xuất: Quỹ Hy vọng, báo VnExpress đang thực hiện chiến dịch "Ánh sáng học đường" với mục tiêu xây dựng hạ tầng giáo dục tại các vùng đặc biệt khó khăn để tiếp sức các em đi học. Mọi sự đóng góp đều sẽ thêm ánh sáng cho tương lai của các em, và tương lai của bức tranh cả vùng biên.

Thông tin ủng hộ