Tháng 8 âm lịch hàng năm, đồng bào Xê Đăng, Ca Dong sống trên đỉnh núi Ngọc Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) lại tất bật gặt lúa, đóng bao và cất trữ tại kho lương thực nằm cách xa nhà khoảng 200 m.
Người dân thường dựng kho trước cổng làng, hoặc trên khu đất cao ráo, ít cây xanh, đứng từ trong nhà vẫn có thể phóng tầm mắt quan sát được. Mỗi kho rộng chừng 6 m2, cao khoảng 4 m, trong đó phần kho chứa cao khoảng 2 m, dựng trên 4 chân trụ gỗ theo kiểu nhà sàn.
Kho dựng bằng gỗ, mái lợp lá rừng hoặc tôn. Dưới 4 chân trụ, người dân thường dùng tấm gỗ hình tròn, đường kính rộng khoảng nửa 0,5 m chắn ngang đoạn tiếp giáp với phần sàn nhà để tránh chuột, thú rừng bò lên ăn lúa, ngô.
Việc xây dựng kho lương thực lớn hay nhỏ tùy thuộc vào từng gia đình. Nhà nào canh tác nhiều diện tích thì dựng vài kho hoặc làm kho lớn hơn.
Ông Hồ Văn Lang (xã Trà Linh) cho biết, tất cả lúa, sắn, bắp đều được người dân tích trữ trong kho lương thực. Giải thích việc làm kho cách xa nhà, ông Lang nói: “Người dân có tập tục sống trong nhà sàn đốt lửa quanh năm suốt tháng. Vào mùa sản xuất, cả làng đi nương đi rẫy, tình trạng cháy nhà xảy ra liên tục”.
Nhà của người dân làm bằng tre nứa, gỗ, lại sát nhau. Một khi hỏa hoạn thì cả làng bị thiêu rụi. Ngoài ra, nếu để lúa trong nhà không có rương, thùng bảo quản, gia súc, gia cầm thả rông sẽ ăn hết.
“Để lúa trong nhà khi bị cháy thì mất tất cả. Còn đưa ra khỏi làng lỡ có cháy nhà thì vẫn không bị đói”, già làng Lang chia sẻ. Kinh nghiệm dựng kho lương thực xa nhà được người dân đúc rút từ nhiều đời, sau nhiều lần cả làng bị thiêu rụi, tài sản mất sạch.
Ngoài việc cất trữ lương thực, kho còn chứa hạt giống cho sản xuất vụ sau. Anh Hồ Văn Thiêu, xã Trà Linh, cho hay mỗi năm bà con sản xuất một vụ, lúa được trồng trên nương rẫy. Sau khi hoạch, người dân phơi khô gùi về đóng bao, đưa lên kho cất giữ.
Kho lương thực cách xa khu dân cư không có khóa cửa, không có người canh giữ, nhưng không bao giờ bị mất cắp. Kho nhà ai thì người ấy sử dụng, không xâm phạm của nhau.
Ông Đinh Văn Yến, xã Trà Vân, cho biết từ xa xưa các làng đã ban hành những tục lệ nghiêm khắc để trừng trị kẻ xấu. Người nào trộm cắp tài sản sẽ bị phạt nộp trâu, bò, heo, rượu…, tái phạm bị đuổi ra khỏi làng.
"Luật tục này được áp dụng nên chưa một lần xảy ra mất cắp. Phần nữa ý thức của người dân đói thì xin, không đi ăn trộm của bất của ai. Người Ca Dong luôn chia sẻ cho nhau lúc gặp khó khăn", ông Yến nói.