Hà Nội hiện có khoảng 20 nhà hát do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao quản lý. Trừ Cung Văn hóa Hữu Nghị có 1.200 ghế ngồi, số còn lại đều có quy mô từ 100 đến hơn 800 chỗ.
Nhà hát lớn chỉ một vài buổi diễn kín chỗ
Được xây dựng từ năm 1911, trải qua hơn 107 năm, Nhà hát lớn Hà Nội luôn được giới nghệ sĩ xem là “thánh đường nghệ thuật”. Khán phòng Nhà hát cao 3 tầng tổng cộng 870 ghế ngồi. Mỗi tháng trung bình có khoảng 8 chương trình được tổ chức, từ hòa nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, ballet đến bolero, đêm nhạc nhẹ, đêm thơ, lễ kỷ niệm, show trình diễn của nghệ sĩ tóc.
Trong đó, chương trình hòa nhạc, nhạc vũ kịch, ballet định kỳ mỗi tháng khoảng ba đêm. Riêng tháng 10/2018 có 9 chương trình được lên lịch như: hòa nhạc từ thiện Thu yêu thương gây quỹ từ thiện Khăn ấm cho em (giá vé 300.000-1.000.000 đồng); hòa nhạc Jazz B's Bees (vé mời)...
Chương trình biểu diễn nghệ thuật Chiều nắng chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam với sự có mặt của các nghệ sĩ Thái Bảo, Đức Long, Việt Hoàn, Phương Thảo, Tân Nhàn... giá vé cao nhất đến 3 triệu đồng. Các chương trình khác chủ yếu mức vé từ 200.000 đến 1.000.000 đồng.
Là đơn vị tự chủ, nguồn thu chủ yếu của Nhà hát lớn từ tiền cho thuê rạp. Bà Nguyễn Thu Phương, Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn cho biết, từ năm 2016, các chương trình ở Nhà hát phải được Cục Nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) hoặc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thẩm định, phê duyệt trước khi biểu diễn. Giá thuê trung bình 40 triệu đồng một buổi diễn.
“Đơn vị tổ chức tự bán vé hoặc phát vé mời, vì vậy chúng tôi không thống kê được số lượng khách trong mỗi buổi biểu diễn. Thường chỉ một vài buổi trong năm khách ngồi kín ghế”, bà Phương nói.
Đầu tháng 9/2017, Nhà hát lớn Hà Nội bắt đầu mở tour tham quan vào thứ hai và thứ sáu với giá vé 400 nghìn đồng/lượt. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ được tổ chức trong ba tháng rồi tạm dừng cho tới nay.
Trả lời trong một cuộc họp báo tháng 9/2018, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Ban quản lý Nhà hát lớn Hà Nội, giải thích tạm dừng tour tham quan do việc trùng tu công trình và các “show diễn liên tục kín lịch”. Dự kiến đầu năm 2019, tour tham quan sẽ khởi động lại.
Nhà hát của đoàn nghệ thuật truyền thống đìu hiu
Nằm ngay ngã tư Kim Mã - Giang Văn Minh, từ nhiều năm nay rạp hát Kim Mã của Đoàn Chèo Việt Nam thưa vắng khách. Sau thời gian tu sửa với kinh phí 24,6 tỷ đồng, rạp hát hoạt động trở lại từ cuối năm 2009. Các buổi biểu diễn chèo được tổ chức định kỳ vào tối thứ sáu hàng tuần ở sân khấu 100 ghế ngồi.
“Nhiều buổi diễn chỉ hai khách xem, chúng tôi chấp nhận bù lỗ để diễn vì tôn trọng khán giả. Một năm được vài buổi kín ghế. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, bán vé như đi câu, ngày nhiều ngày ít. Vào mùa hè, mùa du lịch, lượng vé bán rất ít”, bà Vũ Hương Lan, quyền Trưởng ban quản lý Rạp hát Kim Mã, chia sẻ.
Từ năm 2017, rạp hát tổ chức buổi diễn vào đêm thứ bảy cuối tháng trên sân khấu lớn 500 ghế, thu hút đông khán giả hơn. Kỷ lục của rạp là dịp công chiếu vở Quan âm thị kính vào tháng 8 vừa qua. Khán giả ngồi kín 500 ghế, nhân viên phải bố trí thêm hàng chục ghế phục vụ khán giả, rạp hát thu về 85 triệu đồng.
Quản lý rạp hát Kim Mã cho biết nguồn thu chủ yếu của rạp từ việc bán vé, giá vé cho mỗi đêm diễn 150.000-300.000 đồng. Diễn viên Nhà hát chèo vẫn phải thường xuyên đi diễn ở địa phương và rạp hát khác để kiếm thêm thu nhập.
Ngoài phục vụ Nhà hát chèo Việt Nam, rạp hát Kim Mã còn cho đơn vị khác thuê biểu diễn, làm triển lãm ảnh. Ngay trong sân rạp hát đặt một quán cà phê rộng, bà Lan Hương giải thích đã hợp tác với quán này để bán vé và phục vụ trong lúc khán giả chờ đến giờ diễn.
Rạp Chuông Vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội nằm ở 72 Hàng Bạc, giữa trung tâm phố cổ, có 142 ghế ngồi. Phía ngoài cổng, ngay dưới cái tên Chuông Vàng đắp nổi bong tróc nham nhở là tấm pano bằng tiếng Anh “Golden Bell Show” (Buổi biểu diễn chuông vàng) được dựng từ năm 2013.
Chương trình Golden Bell Show được tổ chức định kỳ vào 20h tối thứ bảy hàng tuần, biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc dân tộc, hát quan họ, cồng chiêng Tây Nguyên, múa Chăm, múa sạp... và cải lương. Mỗi buổi, rạp chỉ bán được khoảng 30 vé cho khách du lịch.
Chuông Vàng thông báo đóng cửa sửa chữa, nâng cấp từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018. Chủ trương cải tạo rạp hát này được TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2015, giao cho Sở Văn hóa Thể thao làm chủ đầu tư, thực hiện trong năm 2016-2017. Tuy nhiên, đến nay rạp vẫn đóng cửa, Nhà hát Cải lương Hà Nội tạm thời chuyển về 77 Hàng Bồ, chỉ có 5 kiot phía dưới cho thuê hoạt động.
Không có được vị trí thuận lợi, Nhà hát múa rối Việt Nam đang rất khó khăn. Các tuyến đường dẫn từ trung tâm thành phố đến nhà hát như Trường Chinh, Láng, Nguyễn Trãi... đều đang thi công. "Ở xa trung tâm nên khán giả có muốn đến cũng gặp khó. Mỗi ngày chúng tôi chỉ đón được khoảng 100 khách”, bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc nhà hát nói.
Về nguồn thu của Nhà hát múa rối, bà Thủy chia sẻ, vì là đơn vị sự nghiệp có thu nên vẫn được Bộ Văn hóa bao cấp về lương, bảo hiểm... Hiện đơn vị chỉ tổ chức những buổi biểu diễn múa rối chứ không cho thuê tổ chức sự kiện.
“Tôi chỉ mong được bao cấp thế này mãi, không phải tự chủ là mừng lắm rồi”, bà Thủy bày tỏ.
Trung tâm Âu Cơ, điểm sáng hiếm hoi cũng kêu khó
Nằm ở vị trí thuận lợi, phía trước là đường Huỳnh Thúc Kháng, bên cạnh là đường Nguyên Hồng, xa hơn là đường Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ trung bình mỗi tháng diễn ra 15-16 sự kiện. Với khoảng 800 ghế, mỗi năm trung tâm đón gần 100.000 lượt khán giả.
Ông Phạm Huy Hoàng, Trưởng ban Quản lý Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam) cho biết, so với các đơn vị khác, Trung tâm Âu Cơ hoạt động có hiệu quả, nhưng cũng đang gặp khó.
Ngoài các chương trình của đơn vị chủ quản là Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam được xây dựng để bán vé, Trung tâm Âu Cơ phải cho thuê tổ chức sự kiện như: biểu diễn các loại hình nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương, kịch, múa rối; hội nghị, trao giải thưởng, lễ kỷ niệm; chương trình nghệ thuật nước ngoài.
Ông Hoàng thẳng thắn nói những chương trình của Nhà hát ca, múa, nhạc có những nghệ sĩ tên tuổi như Phương Thảo, Tố Nga, Đức Long..., nhưng khi bán vé cũng chỉ được mấy chục. “Công chúng hiện giờ chỉ mua vé xem chương trình của ngôi sao thời thượng. Nếu chúng tôi tặng vé thì có người đến xem, chứ bán thì không ai mua”, ông Hoàng nói.
Trưởng ban Quản lý Trung tâm Âu Cơ cho rằng nếu hướng đến kinh doanh thì số ghế của đơn vị chưa đáp ứng. Các chương trình của nghệ sĩ lớn thường ít lựa chọn tổ chức ở đây mà chọn Cung Hữu Nghị Hà Nội hoặc Trung tâm Hội nghị quốc gia vì số lượng ghế lớn, đáp ứng nhu cầu khán giả và nhà tổ chức. Các sự kiện có nguyên thủ quốc gia thì không gian nhà hát khá chật hẹp.
So sánh với những năm trước, ông Hoàng cho biết năm nay dự kiến hoạt động của Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ sẽ kém hơn. Nhưng Trung tâm vẫn là một trong ba nguồn thu chính của Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam, gồm: Trung tâm Âu Cơ; biểu diễn nghệ thuật; cho thuê cơ sở vật chất.
“Hiện Trung tâm không phải bù lỗ, tự chủ tài chính. Chỉ khi mua sắm trang thiết bị hoặc sửa chữa lớn chúng tôi mới làm dự án trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị cấp kinh phí”, ông Hoàng chia sẻ và dự tính thời gian tới sẽ liên kết với các ngân hàng tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật.