Sáng 6/2, ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban sổ thẻ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP HCM, Đăk Nông… xảy ra tình trạng người lao động đem sổ Bảo hiểm xã hội đi cầm cố với các cá nhân khác, hoặc ngân hàng, tiệm cầm đồ, sau đó đề nghị cơ quan Bảo hiểm cấp lại sổ mới.
Người cầm cố thường tập trung tại các khu công nghiệp, sổ bảo hiểm đã tham gia đóng được 3-5 năm. Cơ quan bảo hiểm chưa có số liệu chính xác nên đang thống kê toàn bộ tỉnh thành, sau đó sẽ đưa ra quy định quản lý chặt chẽ.
Theo ông Chu Minh Tộ, cả người lao động và người nhận cầm cố sổ bảo hiểm đều nằm trong diện cảnh báo vì giao dịch này rủi ro cao, khi tranh chấp sẽ bị thiệt thòi. "Người lao động có thể thiếu hiểu biết, đem sổ bảo hiểm đi cầm cố do khó khăn về kinh tế, chúng tôi chưa đánh giá là có lừa đảo", ông Tộ nhận xét.
Luật Bảo hiểm xã hội không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ và không cấp lại sổ đối với những người đem sổ bảo hiểm đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ do bị hỏng, mất. Pháp luật cũng không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia Bảo hiểm thì họ hoặc thân nhân mới được hưởng quyền lợi liên quan.
Về cách tính lương hưu thay đổi từ năm 2018, ông Phạm Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ 1/1/2018, cách tính lương hưu cho lao động nữ sẽ được điều chỉnh theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Theo đó, lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội được 15 năm sẽ hưởng lương hưu bằng 45% mức lương, sau đó mỗi năm tính thêm 2%, tối đa được hưởng 75%. Như vậy, để đạt được tỷ lệ 75% trong năm 2018, lao động nữ phải có ít nhất 30 năm đóng bảo hiểm, trong khi quy định lâu nay là 25 năm.
"Chúng tôi đã đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ và Quốc hội về vấn đề trên. Tuy nhiên, đây là quy định của Luật nên chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền sửa đổi. Hiện chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo nào của các cấp có thẩm quyền nên cách tính lương hưu trên vẫn được thực hiện bình thường”, ông Thọ nói.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khoảng 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi chính sách này do nghỉ hưu vào năm 2018.