Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có cuộc trao đổi với VnExpress về tục đốt vàng mã.
- Thưa ông, tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ đâu?
- Việc đốt vàng mã phát sinh từ Trung Quốc khoảng thời Hán, sau đó dần dần lan truyền sang nước ta dưới thời Bắc thuộc (thế kỷ 1 đến 10). Ban đầu, nó chỉ xuất hiện trong giới quan lại Hán Việt nắm quyền cai trị.
Đạo Phật do các tăng sĩ từ Ấn Độ sang truyền giáo cho người Việt ở Giao Châu (Bắc Việt). Theo Phật giáo chân chính, đốt vàng mã là hủ tục mê tín dị đoan, không phải tín ngưỡng nên không tán thành.
Không chỉ Phật giáo, các tôn giáo như Nho, Thiên Chúa đều không tán thành, không khuyến khích tín đồ tin tưởng thực hành đốt vàng mã. Vì nó không có cơ sở trong giáo lý của các tôn giáo mà còn đưa đến kết quả tai hại trong đời sống của cá nhân, gia đình lẫn xã hội.
Ông Trần Đình Sơn cho rằng không nên xem đốt vàng mã là tín ngưỡng. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ |
- Việc đốt vàng chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc, người dân miền Nam ít đốt. Ông lý giải gì về điều này?
- Ngày xưa giấy rất quý, chỉ được dùng trong việc hành chính, học tập của giới giàu sang. Vàng mã chỉ sử dụng rất hạn chế trong nước.
Đến thế kỷ 19 trở về sau, việc dùng vàng mã để cúng tế lan rộng trong dân gian khắp ba miền. Từ năm 1930, phong trào chấn hưng Phật Giáo phát triển, chính pháp được truyền bá rộng rãi tác động đến quần chúng nhân dân. Nhờ vậy việc đốt vàng mã cùng các hủ tục mê tín dị đoan bị bãi bỏ dần.
Giai đoạn 1955-1975, miền Bắc tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, các sinh hoạt tín ngưỡng bị hạn chế, việc mê tín dị đoan bị lên án nặng, bài trừ triệt để nên vàng mã không tồn tại. Trong miền Nam, hoạt động chấn hưng Phật giáo vẫn diễn ra liên tục, chùa chiền và các phật tử hầu hết không dùng vàng mã để cúng tế nữa.
Từ năm 1975 đến 1990, việc dùng vàng mã rất ít vì kinh tế khó khăn và bị phê bình không phù hợp với văn hóa mới. Nhưng rất tiếc kể từ khi mở rộng sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cùng chủ trương phục hồi văn hóa truyền thống, do không được hướng dẫn chuẩn mực, chọn lọc đúng đắn, các hủ tục, sinh hoạt mê tín dị đoan ăn theo phục hồi, phát triển nhanh chóng ở miền Bắc rồi lan rộng, trong đó nổi cộm là việc đốt vàng mã cúng tế linh đình, tốn kém.
- Giáo hội từng nhiều lần khuyến cáo loại bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo nhưng tình trạng này không thuyên giảm. Trong lần khuyến cáo đầu năm Mậu Tuất, Giáo hội có biện pháp gì mới để việc thực thi tốt hơn?
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước nay vẫn chủ trương phục hồi và phát huy các sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc Phật giáo và dân tộc, thường xuyên ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn sinh hoạt phật sự theo đúng chính pháp, ngăn chặn các hoạt động sai trái, biến tướng trong chùa chiền.
Đến nay, Giáo hội đã chính thức ra quyết định bài trừ dứt khoát việc đốt vàng mã, mê tín dị đoan trong các chùa chiền thuộc Giáo hội quản lý. Điều này được cộng đồng phật tử tán thành, ủng hộ, dư luận xã hội rất hoan nghênh.
Tuy nhiên, tệ tục đốt vàng mã đã tiêm nhiễm lâu đời, lan truyền rộng rãi, bài trừ là điều không dễ dàng, nhanh chóng. Tôi nghĩ chính quyền và các tôn giáo cần kết hợp mật thiết với nhau để hướng dẫn, vận động quần chúng bài trừ hủ tục.
Chính quyền cần xem xét việc sản xuất, buôn bán vàng mã đang diễn ra tràn lan, phải kiên quyết ngăn cấm sử dụng vàng mã tại các chùa chiền, cơ sở tôn giáo chính đã được công nhận, hoặc nơi nghĩa trang, nơi công cộng. Tại gia đình, con cháu nên khôn khéo giải thích, can ngăn ông bà, cha mẹ không giữ mãi hủ tục sai lầm, tốn kém này.
Nếu tất cả đồng lòng ủng hộ vì lợi ích chung, chắc chắn việc đốt vàng mã sẽ được ngăn chặn và đạt kết quả tốt đẹp như việc cấm đốt pháo hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
- Trong gia đình hay quê hương ông, việc đốt vàng mã diễn ra thế nào?
- Gia đình tôi nhiều đời sùng Nho, tin Phật nên việc thờ cúng tổ tiên đã từ bỏ vàng mã từ nhiều đời trước tôi.
Sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên Huế, tôi nhận thấy rõ từ trước năm 1975 việc cúng vàng mã nhìn chung rất ít, chỉ tượng trưng vài chục tờ giấy tiền, vàng bạc để trên mâm hoa quả cho có lệ. Phần lớn dân chúng theo Phật giáo hiểu rõ giáo lý căn bản nên bãi bỏ việc sát sinh, đốt vàng mã trong các ngày kỵ giỗ.
Điều đáng buồn là ngày nay trở về Huế, tôi phải chứng kiến cảnh cúng tế linh đình, vàng mã được đem đốt càng nhiều càng thỏa lòng báo hiếu. Gặp ngày rằm, mùng 1 đi quanh một vòng thành phố Huế, tôi nhận thấy nhà nhà đều bày ra trước sân, ngoài đường những chiếc thùng thiếc để đốt vàng mã.
Trong thành phố, nhiều hàng bán đồ mã rất lớn mọc lên. Dọc con đường Nam Giao dẫn tới khu vực chùa chiền chính của Giáo hội Phật giáo, có nhiều nhà chuyên sản xuất, buôn bán đồ mã. Kinh đô Phật giáo một thời của Việt Nam không biết vì sao biến đổi lạ lùng đến vậy? Thật đáng buồn!
Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn số 31 hướng dẫn công tác tổ chức lễ hội nhằm tăng cường nét đẹp truyền thống tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Giáo hội đề nghị chư tôn đức tăng ni trụ trì các chùa, thiền viện, tu viện... nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. |