Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 hôm nay 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP HCM.
Ông Phan Văn Khải (thường được gọi với tên Sáu Khải) sinh ngày 25/12/1933 ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM; tham gia phong trào cách mạng từ năm 1947 khi 14 tuổi, vào Đảng năm 26 tuổi; từng kinh qua các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng.
Tháng 9/1997, ông được bầu làm Thủ tướng. Tháng 7/2002, ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai. Đến tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ một năm.
Trong bài phát biểu từ nhiệm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ, điều ông trăn trở là một số mặt yếu kém về kinh tế xã hội và bộ máy công quyền chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn.
Ông cho rằng, công tác cán bộ chậm đổi mới "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân" dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo quản lý kinh tế, xã hội.
"Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu", ông nhìn nhận.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là lãnh đạo có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập. Ông trình Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và tự bảo vệ trước Bộ Chính trị, Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ra một sắc luật tước bỏ quyền lực của Chủ tịch các tỉnh, đó là nội dung "phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh thì doanh nghiệp mới được phép thành lập". Thay vào các quy định ràng buộc, Luật Doanh nghiệp năm 1999 được ban hành với tinh thần: người dân được quyền làm những việc mà Nhà nước không cấm.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lập Tổ công tác của Chính phủ về triển khai Luật Doanh nghiệp và giảm các giấy phép con. Từ sự kiến nghị của Tổ công tác, ông Khải ký lệnh bãi bỏ 286 giấy phép con (gần một nửa số giấy phép con) tạo nền móng giúp kinh tế tư nhân bùng lên sau này.
Ông cũng là người trình Dự thảo Luật về Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) ký chính thức năm 2001; là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, gặp Tổng thống Bush năm 2005 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Mỹ.
Xem thêm: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và 'dấu ấn đậm nét' Luật doanh nghiệp