Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Ban công tác đại biểu báo cáo việc thực hiện theo quy định của pháp luật đối với ông Đinh La Thăng, đại biểu tỉnh Thanh Hóa và ông Nguyễn Quốc Khánh, đại biểu tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, liên quan đến vụ án mà hai người này là bị cáo, tòa phúc thẩm (chiều 14/5) đã tuyên ông Thăng và ông Khánh có tội. Cụ thể, Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù; giảm từ 9 năm tù xuống 7 năm với ông Nguyễn Quốc Khánh. Do vậy, căn cứ theo quy định hiện hành, ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Quốc Khánh đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội.
Cùng ngày, căn cứ vào văn bản của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh - nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ ngày 14/5.
Trước đó tại kỳ họp 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tháng 7/2017), cơ quan này đã kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh và đưa ra kỷ luật cảnh cáo. Bà Thanh sau đó có đơn khiếu nại.
Đến kỳ họp thứ 23 (diễn ra ngày 12 và 13/3), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thông báo bà Thanh còn có một số vi phạm, khuyết điểm khác và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với bà này.
Ngày 4/5, xác định những vi phạm, khuyết điểm của bà Thanh là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân", Ban bí thư quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng của Phó bí thư Đồng Nai; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà này theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 4/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được đơn của bà Phan Thị Mỹ Thanh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và đang bị kỷ luật về mặt Đảng.
Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Ban Bí thư. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Bí thư có ý kiến đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo xem xét, chấp nhận đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV của bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 38, Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu có thể xin thôi làm nhiệm vụ vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác; trong khi đó điều 40 quy định đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
Như vậy, bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định tại điều 38.
Quốc hội khóa XIV có 496 người trúng cử, sau đó 2 người không được công nhận tư cách là ông Trịnh Xuân Thanh (ứng cử tại Hậu Giang) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (ứng cử tại Hà Nội).
Ngày 15/5/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết, nhất trí về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Võ Kim Cự (Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam) vì ông này đã bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu với lý do sức khỏe.
Trong số các vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh có việc, thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1,2009, bà Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai. Khi chuyển công tác, bà đã không bàn giao Dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước. Với cương vị Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Thanh đã ký một số quyết định thể hiện sự ưu ái, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của gia đình thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực bà phụ trách... |