Sáng 14/3, anh Trương Văn Hoành (46 tuổi, trú xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) cùng vợ dọn mâm cỗ ra bãi biển cách nhà khoảng 200 mét, làm lễ giỗ 30 năm ngày mất cho anh trai là Trương Văn Hướng, liệt sĩ Gạc Ma.
Mâm cỗ dọn trên hai chiếc chiếu, trải trên bờ cát hướng về biển Đông. Ngoài hoa quả, thủ lợn, ít sản vật của địa phương, mâm cỗ có đến 64 cái bát, 64 đôi đũa. "Năm nay, tôi quyết định làm giỗ chung anh trai và 63 đồng đội của anh”, anh Hoành nói.
“Cha mẹ thương nhớ anh mà ra đi rất sớm. Tôi thay mặt gia đình, làm mâm cỗ tươm tất mời anh và đồng đội về dự”, anh Hoành nói và thắp những nén hương kéo dài ra mép nước.
Tàn hương, anh Hoành thả về biển chiếc thuyền giấy có dán dòng chữ HQ 604 - ký hiệu tàu Hải quân tham gia chiến dịch bảo vệ chủ quyền Gạc Ma năm 1988.
Gia đình có 9 anh chị em, liệt sĩ Hướng là con thứ ba. Anh Hoành nhớ, Tết Nguyên đán năm 1988, anh Hướng về thăm gia đình đúng được một đêm 30. “Chiều muộn ngày 30 anh về, sáng sớm mồng một đã phải tức tốc vào đơn vị. Cả nhà chỉ mong anh ở lại thêm chút ít. Không ai ngờ, đó là lần cuối chúng tôi gặp anh”, anh Trương Văn Hoành nhớ lại.
Mấy năm trước, một đoàn công tác về lấy mẫu ADN của mẹ và chị em liệt sĩ Hướng để xét nghiệm, tìm hài cốt liệt sĩ. “Cả gia đình ngóng trông lắm. Chờ mãi rồi nhận tin không phải anh trai mình”, anh Hoành kể.
Sáng 14/3/1988, khi các chiến sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản. Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc có vũ trang cướp cờ, xả súng vào các chiến sĩ hải quân, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền.
Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988.
64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm từ đó.