Vài năm trở lại đây, trên các con lạch, mép sông, cửa biển ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, người dân cắm dày đặc cọc cây, kết giàn, bè treo chi chít những miếng fibro xi măng làm giá thể để nuôi hàu. Trên các con đường trong xã, hàng chục nghìn tấm fibro xi măng được chất thành dãy hàng chục mét chuẩn bị được đưa xuống biển.
Anh Nguyễn Công Hương bỏ ra 150 triệu đồng làm ba giàn hàu trên con lạch thôn Gò Găng. Cọc cây gỗ được anh mua về bóc vỏ, trét xi măng đem phơi khô trước khi mang ra cắm giữa lạch kết giàn, treo dây và cắt hàng chục nghìn tấm fibro xi măng treo dày lên để dụ hàu non theo con nước bám vào sinh sản tháng ba âm lịch hàng năm. "Nói là nuôi hàu nhưng không tốn tiền mua giống, thức ăn mà dựa vào tự nhiên cả", anh Hương nói.
Hai năm vừa rồi, nguồn nước ô nhiễm, hàu chết nhiều khiến người nuôi ở Long Sơn điêu đứng. "Nhưng năm nay có vẻ khả quan hơn, ước tính mỗi giàn thu nhập hơn chục triệu sau khi trừ hết chi phí", anh Hương cho hay.
Mỗi giàn hàu tồn tại từ ba đến 5 năm nhưng tấm fibro xi măng thì thay từng vụ, không thể tái sử dụng được. Quá trình tách hàu ra khỏi giá thể, anh Hương dùng chiếc búa đập bể từng phần tấm fibro xi măng nơi con hàu bám khiến từng mảng rơi xuống lạch và không được thu gom sau đó. Đây cũng là thực trạng diễn ra phổ biến nhiều năm qua ở Long Sơn.
Ông Trần Văn Minh vụ này sử dụng hơn 6 nghìn tấm fibro ximăng và cũng thải ra biển sau khi thu hoạch. "Tôi chở ghe lớn ra đổ ở vùng nước sâu chứ không thả trực tiếp xuống bãi nuôi vì lo ngại sẽ gây bồi lấp", ông Minh cho biết.
Ông cho rằng việc đổ fibro xi măng xuống biển không gây ô nhiễm, thậm chí về lâu về dài cũng không ảnh hưởng đến môi trường nuôi. "Nó sẽ phân hủy hết dưới lòng đất thôi, nước biển mặn thế thì mấy tấm fibro ximăng này đâu chịu nổi", ông nói và nhiều người nuôi hàu khi được hỏi cũng đều khẳng định như vậy.
Ông Bùi Đức Bình, Phó chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, toàn xã có hơn 550 hộ nuôi hàu tự nhiên với gần 90 ha, tỷ lệ 70-80% nuôi hàu bằng giá thể fibro xi măng. "Cứ 1.000 mét vuông giàn, người dân sử dụng 500- 600 tấm fibro xi măng loại lớn. Loại giá thể này được dùng đã hơn chục năm nay, nhưng cao trào nhất là 5 năm đổ lại đây. Sở dĩ người dân ưa chuộng tấm fibro xi măng là vì hàu thích bám vào, đầu tư thấp và chất lượng thịt hàu tốt, bán được giá", ông Bình cho biết.
Do phát triển diện tích nuôi ồ ạt, dòng nước bị ô nhiễm không đủ thức ăn khiến con hàu chậm lớn. "Trước đây, hàu nuôi sáu đến tám tháng là đã có thể thu hoạch nhưng hiện nay thì phải hơn một năm", ông Bình nói.
Ông Bình cho biết, trên địa bàn không có bãi tập trung nên lâu nay người dân thải tự do tấm fibro xi măng ra môi trường, phần rơi rớt ở cửa biển trong quá trình thu hoạch. "Tình trạng thải fibro xi măng gây ô nhiễm môi trường chắc chắn là có", ông Bình nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng nuôi trồng, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) thì chu kỳ tan rã của fibro ximăng phải hàng chục năm nên việc đánh giá tính nguy hại của nuôi bằng vật liệu này như thế nào, cần các nhà khoa học vào cuộc mới có câu trả lời chính xác.
"Thực tế định tính của chúng tôi thì việc người dân Long Sơn thải fibro ximăng như hiện nay gây nên tình trạng bồi lắng dòng sông, cửa biển và ảnh hưởng đến nuôi trồng", ông Thi nói và cho biết, Chi cục đang tiến hành thí nghiệm giá thể làm bằng lưới trét xi măng, ưu điểm có thể tái sử dụng nhiều năm và ít gây ảnh hưởng đến môi trường.
Theo ông Thi, gần 4 năm trước, trước tình trạng người dân ồ ạt sử dụng tấm lợp fibro xi măng để nuôi hàu, Sở Nông nghiệp tỉnh đã gửi văn bản xin ý kiến và đề nghị Tổng cục Thủy sản có đánh giá, nguyên cứu về việc người dân sử số lượng lớn tấm lợp fibro ximăng nuôi hàu gây lo ngại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, đến nay Sở vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tấm lợp fibro được làm bằng xi măng, sợi khoáng silicat và bột amiăng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng như tác hại cho sức khỏe của con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân chính gây bệnh của sản phẩm có chứa amiăng là do tiếp xúc qua đường hô hấp và qua đường tiêu hóa do nguồn nước nhiễm amiăng. |
Nguyễn Khoa