Ba ngày sau trận lũ dữ, xã Thạch Định (Thạch Thành) vẫn chìm trong biển nước. Nằm ven bờ sông Bưởi, lại ở vùng đất trũng nên khi nước tràn đê đêm 11/10 thì toàn xã bị ngập sâu tới 2-3 m.
Đánh bệt bên triền đê, ông Nguyễn Văn Nhiên chưa hết ám ảnh khi lũ ập về. “Đêm 11/10, nước sông Bưởi lên nhanh và tràn đê… Dân làng hoảng loạn, hô hào nhau tháo chạy để bảo toàn tính mạng. Thật khủng khiếp, sau hàng chục năm, trận đại hồng thủy quay trở lại”, ông Nhiên kể.
Như nhiều gia đình trong thôn Định Tường, bà Lưu Thị Lương (xã Thạch Định) đang sống tạm bợ trên ngọn núi Rú - một trong số nơi ít ỏi của xã không bị ngập. Bà Lương bảo, đêm đó nước lũ lên nhanh, nghe tiếng loa sơ tán dân, bà chỉ kịp dắt theo con trâu chạy thục mạng lên triền núi.
Sáng ra, bà Lương nhìn về làng chỉ thấy mênh mông nước. Hai con lợn, hàng chục con gà trôi hết, hơn tấn thóc mới gặt chưa kịp di chuyển đã bị nhấn chìm, giờ bà chưa biết xoay xở làm sao. “Nước lũ rút chậm, bão lại cận kề, bà con không biết khi nào mới được trở về nhà”, bà Lương nói.
Tại núi Rú hiện có 38 hộ với 115 nhân khẩu của xã Thạch Định dựng lều bạt ở tạm, người già và trẻ nhỏ được ưu tiên ở trường học nằm lưng chừng núi.
Căn nhà của gia đình anh Vũ Văn Tám ở ven làng Thạch Toàn lũ chạm gần mái ngói. Đêm lũ về thứ gì cũng muốn chuyển, nhưng loay hoay mãi vợ chồng anh chỉ bê được mấy chục con gà, vịt cùng một số thiết bị điện tử lên bờ đê.
Lũ sau đó đã cuốn đi của vợ chồng anh Tám hơn chục con lợn, 150 con gà đông cảo, hơn 50 con vịt. Bốn sào dưa hấu sắp đến kỳ thu hoạch, hai sào mía… cũng bị ngập. Vài ngày nay, tiếc của nên anh Tám cứ chèo mảng bè kết bằng cây chuối đi lại quanh ngôi nhà, hy vọng tìm kiếm được thứ gì đó.
"Cắm chốt" trên đê cùng chồng trông đàn gà con còn sót lại, chị Đức - vợ anh Tám thở dài: “Bao nhiêu năm dành dụm tích góp, giờ coi như chỉ còn lại số không. Chẳng biết khi nào chúng tôi mới gượng dậy nổi”.
Toàn xã Thạch Định có gần 660 hộ với hơn 2.900 nhân khẩu phải chạy lũ. Nước sông Bưởi đang rút chậm, phần lớn nhà cửa vẫn ngập sâu. “Một số người sốt ruột chèo thuyền về thăm nhà nhưng rồi phải rút ra ngay vì điều kiện lúc này chưa an toàn”, Chủ tịch xã Vũ Trọng Hùng nói.
Người phụ nữ ở Thanh Hoá nức nở bên đàn lợn chạy lũ.
Tại huyện Yên Định, đến ngày 14/10 vẫn còn ba xã Yên Lâm, Yên Tâm, Yên Giang bị ngập 60-80 cm. Mặc cho nước lũ ngập đến bụng, ông Trịnh Xuân Như (55 tuổi, ở xã Yên Lâm) vẫn lội đi vớt xác gia cầm chết nổi lềnh bềnh khắp sân vườn. Khuôn mặt thất thần, giọng lão nông lạc đi sau mấy đêm mất ngủ.
Chập tối ba ngày trước, vợ chồng ông Như đang ăn cơm thì nghe nước chảy ào ào, chạy ra thì thấy nước đã ngập tới sân. Ông hô hoán bà con đến giúp vận chuyển đàn gà đi nơi khác. Hơn trăm người làng hỗ trợ bắt gà chạy lũ nhưng không kịp. Chỉ sau một giờ, nước đã dâng cao hơn một mét, khiến 5.000 con gà trong trang trại của ông Như chết ngập.
"Nhìn mấy nghìn con gà ngắc ngoải trong dòng nước lũ mà bất lực. Con bò mẹ sắp đẻ cũng bị ngập nước chết đuối, hoa màu thì mất trắng. Không biết rồi gia đình phải xoay xở thế nào trong những ngày sắp tới…", ông Như lo lắng.
Nhìn trang trại giờ chỉ một màu nước đỏ ngầu, gà chết la liệt, bà Nụ (vợ ông Như) tiếc của nên đổ bệnh. Bà bảo, lo lắng vì khoản nợ ngân hàng mấy trăm triệu rồi mai kia lấy gì để trả.
Nước ngập khiến rất nhiều ao nuôi cá của các hộ dân ở Yên Định bị xóa sổ. Gia đình anh Trần Văn Đồng (36 tuổi, ở xã Yên Tâm) mất hơn 5 mẫu cá đã nuôi gần năm, con to đến hơn 3 kg. Ngoài ra, trận lụt cũng khiến nông dân 36 tuổi mất hơn 1.000 vịt. “Mất sạch chỉ sau vài giờ, chẳng biết mai đây lấy gì cho con cái ăn học nữa”, anh Đồng lo lắng.
Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, ông Nguyễn Xuân Thái cho biết cơn lũ vừa qua đã làm 575 hộ bị ngập lụt phải di dời, gần 90 ha ao cá bị lụt, 200 ha hoa màu vụ đông mất trắng. Đặc biệt, có 13 trang trại chăn nuôi tổng hợp bị ngập làm chết 15.000 con gà. “Người dân địa phương đang kiệt quệ vì lũ”, ông Thái nói.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh, lũ trên sông Bưởi, Mã, Chu vượt báo động 3 tới gần 1-2 m đã nhấn chìm hơn 26.700 ngôi nhà ở khắp các huyện ven sông. 15 người đã chết, 5 người còn mất tích do mưa lũ.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Đến hôm nay, mưa lũ làm 60 người chết, 37 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa. |