Ngồi trong quán cà phê Voọc sát chân núi Sơn Trà, anh Bùi Văn Tuấn cười tươi rói, say sưa kể về voọc chà vá chân nâu.
Kho chuyện về voọc chà vá chân nâu
"Hơn 10 năm trước, lần đầu tiên tôi biết bán đảo Sơn Trà có voọc chà vá chân nâu, loài được mệnh danh nữ hoàng linh trưởng có tên trong Sách Đỏ. Một người bản địa bày tôi cách ngửi mùi nước tiểu của loài. Rứa mà như có ma lực, tôi cứ thế đi theo tìm voọc", Trưởng phòng nghiên cứu khoa học - Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) nhớ lại.
Dấu giày đã đặt lên hầu hết thảm rừng, đá sỏi, giờ anh Tuấn là thổ địa Sơn Trà. Anh nhớ rõ từng ngõ ngách trong khu rừng nguyên sinh, kể tên từng loài cây là thức ăn, hay cách voọc mẹ cho con bú, voọc bố dạy con cách tìm thức ăn...
"Voọc chà vá chân nâu có mối quan hệ trong gia đình không khác con người là mấy. Tôi nhìn thấy trong gia đình voọc có tình yêu thương", người đàn ông sinh năm 1986 nói về sức hấp dẫn của loài.
Trong gia đình, voọc đực luôn thể hiện vai trò như ông bố. Hàng ngày, voọc bố chuyền cành đi tìm chỗ có lá non, trước khi dẫn cả gia đình đến. Nó ngồi trên ngọn cây cao nhất cảnh giới, đến khi voọc cái và voọc con ăn xong mới xuống nhặt nhạnh những chồi non còn sót lại.
Anh Tuấn chứng kiến không ít cuộc đánh nhau giữa các ông bố để bảo vệ "nồi cơm" cho cả gia đình trong nhiều ngày. Những con voọc đực có sẹo trên mặt đều được anh ghi lại và trở thành dấu hiệu giúp nhận biết con đực đó thuộc đàn nào trong khu rừng rộng 4.000 ha.
"Voọc bố thường nóng tính, thấy voọc con tò mò xuống gần mặt đất để nhìn rõ con người là lập tức kéo tay lôi lên. Có hôm trời mưa, voọc con không chịu xuống trú dưới tán cây là lập tức ăn mấy cái bạt tai", anh Tuấn kể về hình ảnh mình chứng kiến nhiều lần.
Voọc mẹ rất tình cảm. Trong sáu tháng đầu đời, voọc con luôn được mẹ ẵm bồng và chỉ bú sữa chứ không ăn lá cây. Bất luận khi đang ngắt ngọn cây ăn, chỉ cần thấy voọc con rời xa nửa bước là voọc mẹ kéo ngay vào lòng. Đủ hai năm, khi con cứng cáp, voọc mẹ mới bắt đầu chu kỳ sinh sản mới.
Theo sát từng gia đình voọc, anh Tuấn nhớ mãi một buổi trưa, voọc con đang luyện cách đu cành cây, chẳng may trúng cành mục. Con voọc nhỏ bé rơi xuống đất, một tiếng kêu "éc" vang lên. Không cần chờ đến âm thanh tương tự thứ hai, voọc bố chồm người qua từng lùm cây để xuống đất. Nó bế voọc con lên đưa cho voọc mẹ, rồi cả nhà vỗ về nhau.
Hai năm ngủ rừng theo dấu voọc
Theo học ngành Sinh môi trường (nay là Quản lý tài nguyên, Đại học Sư phạm Đà Nẵng), từ năm học thứ hai Tuấn đã nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu. Năm 2007, chưa có nhiều đường lên Sơn Trà, ngoại trừ một con đường nhỏ dẫn đến đỉnh bàn cờ. Muốn vào rừng, khách phải bỏ xe lại dọc đường và cuốc bộ.
Tuấn không có xe máy. Cậu tìm chỗ dạy thêm, tiền công 400 nghìn đồng mỗi tháng dốc hết vào việc thuê xe máy ở một cửa hàng trước cổng trường đại học, mỗi ngày phí 50.000 đồng. Nhiều lần xe bị thủng lốp, Tuấn phải dắt bộ, oằn người đẩy xe lên xuống cung đường dốc, xuống tới chân núi vá tạm.
Một tuần Tuấn dành ít nhất ba buổi lên Sơn Trà tìm voọc. Tiếc tiền thuê xe máy, cậu về nhà năn nỉ ba cho mượn chiếc Dream Trung Quốc đưa từ Đại Lộc (Quảng Nam) xuống Đà Nẵng. "Khi ra trường, mình lấy hết can đảm đưa xe về trả. Xe không còn nguyên vẹn. Đến giờ ba vẫn nhắc chuyện cũ, hai ba con lại cười", Tuấn kể.
Ra trường, Tuấn theo chân đồng nghiệp đi làm dự án cho Hội Động vật học Frankfurt - Đức. "Cứ mãi làm dự án cho nước ngoài thì bao giờ mới có được dự án do chính người Việt nghiên cứu, bảo tồn sinh học cho quốc gia mình", anh trăn trở. Nhiều người chung suy nghĩ như Tuấn, đã sáng lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, thành lập tại Đà Nẵng năm 2012.
Từ năm 2012 đến 2014, nhóm của Tuấn bắt đầu nghiên cứu vùng sống của voọc chà vá chân nâu. Anh cùng hai cộng sự vào rừng, còn một người nhận nhiệm vụ tiếp tế nhu yếu phẩm để việc quan sát không bị gián đoạn. Một tuần cứ năm ngày ở rừng, hai ngày họ về xử lý số liệu. Những mẫu thức ăn, mẫu phân của loài linh trưởng này đều được thu lại phục vụ nghiên cứu.
Ngủ rừng nhiều tháng trời, ba người trong nhóm thay phiên nhau… vào bệnh viện điều trị sốt xuất huyết. Nhưng ở Sơn Trà sốt xuất huyết, rắn hay vắt rừng không đáng sợ bằng bị ve chó cắn.
Chia sẻ bức ảnh gần 70 con ve chó găm vào bụng mình, anh Tuấn kể ban đầu bị cắn, vết tích chỉ như nốt ruồi nhỏ. Sau vài ngày sẽ nổi lên như đầu tăm, thấy ngứa ngáy. Biết cách, người bị ve chó cắn chỉ cần hơ lửa đủ nóng để ngòi sẽ nhảy ra. Bằng không, lấy tay nặn ngòi vẫn còn ẩn lại phía trong. Một đồng nghiệp của Tuấn bị ve chó cắn phải đi 4 bệnh viện da liễu vẫn chưa chữa khỏi vết thương rỉ nước. Một sinh viên bị cắn ở đốt ngón tay, ba năm vẫn chưa hết ngứa.
Đi rừng Sơn Trà không được phép đốt lửa hay làm trại cố định. Nhóm của anh Tuấn mang theo võng, buộc lên thân cây ngay dưới nơi đàn voọc sinh sống để ngủ lại qua đêm, sáng hôm sau lại nhanh tay buộc lại đeo sau lưng. Trời mưa, mỗi người phải căng bạt tạm bợ phía trên. Ngụy trang như lính chiến, anh mới có thể quan sát đầy đủ, săn được khoảnh khắc đẹp về loài nữ hoàng linh trưởng.
Thành quả sau những chuyến đi rừng là các bài báo khoa học được đăng tải. "Cảm hứng với người làm khoa học là luôn nghiên cứu những cái chưa ai làm. Và những nghiên cứu đó giúp cơ quan quản lý có căn cứ xây dựng chiến lược bảo tồn, hoạch định những chính sách liên quan đến đa dạng sinh học", Tuấn nói.
Tháng 5/2017, GreenViet công bố bán đảo Sơn Trà có hơn 1.300 'nữ hoàng linh trưởng'. Con số lớn hơn nhiều lần so với các công bố trước đây khiến không ít ý kiến tranh luận. "Những người hiểu được phương pháp nghiên cứu để đưa ra con số này sẽ không còn hoài nghi", anh Tuấn nói.
Truyền cảm hứng yêu Sơn Trà cho con trẻ
Năm ngoái, khi cầm bản Quy hoạch chi tiết bán đảo Sơn Trà được Chính phủ phê duyệt, anh Tuấn kể đã cảm thấy khó hiểu với việc cho phép xây dựng các dự án nghỉ dưỡng từ 200 m trên bán đảo trở xuống đến mặt nước biển. Các loài động vật không có khái niệm phân chia địa lý như con người đang nghĩ.
"Voọc và nhiều loài động vật sinh sống từ mặt nước biển trở lên để tìm kiếm thức ăn, nước uống. Đỉnh cao nhất của Sơn Trà chỉ 696m, còn phổ biến từ 300 đến 400m. Bản quy hoạch đã gần như chia đôi bán đảo để làm du lịch, như cái đầu bị cạo trọc một nửa phía dưới", anh Tuấn giải thích.
Những ngày sau đó, anh tập trung nghiên cứu quy hoạch của các nước để phân tích nguy cơ tác động đến sinh thái nếu bản quy hoạch mới phê duyệt được thực hiện tại Sơn Trà. Thông tin khách quan được anh Tuấn chia sẻ lên mạng xã hội và các kênh thông tin chính thống. Nhiều người đồng tình đã chung tay bảo vệ bán đảo độc nhất vô nhị Việt Nam.
Kể chuyện gia đình, anh bảo vì quen bạn gái học cùng khoa 9 năm mới kết hôn, nên vợ hiểu được đặc thù công việc. Những chuyến đi rừng dài ngày của anh đều được vợ chia sẻ. Cuối tuần, vợ chồng lại đưa con gái Bùi Thảo Nguyên (hơn 3 tuổi) lên Sơn Trà ngắm voọc. "Con mình đã biết voọc kêu như thế nào. Gần đến cuối tuần cháu lại nhắc ba mẹ đi Sơn Trà", anh Tuấn kể.
Nhà văn Bùi Công Dụng, người vừa xuất bản cuốn Ký sự Sơn Trà, đã dành nhiều lời khen ngợi Bùi Văn Tuấn. Ông ấn tượng khi xem những bức ảnh về voọc và thiên nhiên Sơn Trà mà anh Tuấn ghi lại. Và càng ấn tượng hơn khi một người trẻ như Tuấn đã khởi xướng hàng loạt chiến dịch bảo vệ Sơn Trà. Nhiều vấn đề anh phản ánh đã được chính quyền thành phố xử lý.
Đến giờ, anh Tuấn không thể sống tách khỏi rừng. "Công việc hiện tại giúp mình truyền cảm hứng cho nhiều người. Không ít bạn bè trên mạng xã hội biết chuyện mình làm đã chia sẻ và ủng hộ cho các dự án bảo tồn đa dạng sinh học. Đôi khi một đôi giày đi rừng được tặng cũng khiến những người làm bảo tồn như mình thêm động lực", anh Tuấn chia sẻ.