![]() |
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Ảnh: TTXVN |
- Thưa ông, hiện có nhiều người Việt Nam sang Thái Lan chuyển đổi giới tính, nhưng khi về nước không được xã hội thừa nhận. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Tâm lý truyền thống của người Việt Nam không chấp nhận chuyển đổi giới tính, vì giới tính là do cha mẹ sinh ra. Ai đó chuyển đổi giới sẽ gây cho người khác sự tò mò, phản cảm. Nhưng dần dần chúng ta cũng hiểu rằng tâm sinh lý con người không phải do con người quyết định, đây là vấn đề gene, hoóc môn… Có người sinh ra là nam, nhưng tính tình lại hoàn toàn nữ hoặc ngược lại.
Nhiều nước đã nhận ra rằng tạo cho người có cơ thể là nam, nhưng tâm sinh lý là nữ một cuộc sống phù hợp với tính cách, tâm sinh lý và cấu tạo cơ thể của họ là thuộc về quyền con người. Đó là quyền nhân thân của cá nhân.
- Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận việc xác định lại nhân nhân của người đã chuyển đổi giới tính. Theo ông, đã đến lúc cần quy định về vấn đề này?
- Thật ra không ai muốn chuyển đổi giới tính, nhưng tâm sinh lý họ như thế thì pháp luật phải quy định, phải thừa nhận đó là quyền của họ. Nhà nước cần xem việc chuyển đổi giới tính là điều không thể tránh khỏi, là nhu cầu chính đáng của con người.
Lâu nay ta vẫn quan niệm vấn đề này còn mới, chưa có nhiều thực tế nên chưa có một văn bản nào để quy định về vấn đề này. Khi xuất hiện những trường hợp cụ thể thì cơ quan chức năng lúng túng. Nhưng dần dần Chính phủ hoặc có thể là cơ quan lập pháp phải tiến tới xây dựng văn bản về vấn đề này.
- Thời gian còn đứng đầu ngành tư pháp, ông đã bao giờ đề cập đến vấn đề này?
- Có rồi, khi xây dựng Bộ luật dân sự, tôi đã đề cập. Tuy nhiên, cuối cùng luật chỉ thừa nhận việc xác định lại giới tính cho trường hợp giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác, cần có sự can thiệp của y học. Tôi nhớ đã có một vận động viên được cơ quan y tế can thiệp và được thừa nhận giới tính mới. Nhưng đó là trường hợp đặc biệt.
Ở Thái Lan pháp luật và xã hội đã thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, có hẳn một câu lạc bộ dành cho những người này. Khả năng phẫu thuật của nước bạn cũng cao nên nhiều người Việt Nam đã sang Thái thay đổi giới tính.
- Thái Lan và nhiều nước đã công nhận việc chuyển giới. Theo ông vì lý do gì khiến pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận chuyện này?
- Xét về khía cạnh luật pháp thì phải có quá trình nhận thức, thấy sự cần thiết, chính đáng, cần phải tôn trọng quyền của những người này thì dần dần mới điều chỉnh. Không thể xuất phát từ một vài trường hợp cụ thể mà nâng lên thành quy định pháp luật ngay được.
- Hiện nhiều người đã chuyển đổi giới tính rất khổ sở vì không thể thay đổi được giấy tờ nhân thân. Ông có lời khuyên gì với họ để đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục này?
- Những người đó nên có đơn gửi lên các cơ quan lập pháp, chẳng hạn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Bộ Y tế để kiến nghị, những người có trách nhiệm sẽ phải nghiên cứu.
Thày thuốc còn nhiều băn khoăn
Giáo sư Trần Đông A, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, cho biết, trường hợp mù mờ về giới tính thì y học Việt Nam đã can thiệp, người được xác định lại giới tính được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, với trường hợp thân xác là nam, nhưng tâm sinh lý lại là nữ hoặc ngược lại, muốn chuyển đổi giới tính thì pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận. Giới thày thuốc cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, họ lo ngại có thể do mắc bệnh tâm lý, nếu nhất thời muốn chuyển đổi và được y học can thiệp, nhưng sau một thời gian muốn trở về giới tính ban đầu thì sẽ xử lý như thế nào. Thực tế y học cho thấy, một số nam giới cơ thể "thục nữ" khi xét nghiệm cũng có hoóc môn của nữ. Ngay cả nữ giới, nhất là các vận động viên, khi lao động cơ bắp nhiều thì hoóc môn nam cũng phát triển. Hiện tượng đó rất bình thường. Việc người chuyển giới muốn được xã hội, pháp luật thừa nhận thì đó là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, điều này rất khó. Ngay cả các nước phát triển, như Quốc hội Bỉ cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới. "Một người bạn của tôi là giáo sư ở Thụy Điển đã phải sang Thái Lan để chuyển đổi từ nam thành nữ. Tại nước mình, ông khó được chấp nhận khi thực hiện chuyển đổi giới", giáo sư Đông A kể. |
Hồng Khánh thực hiện