Ngày 6/11, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, các phòng chuyên môn của Sở đang tập hợp ý kiến để làm báo cáo gửi UBND thành phố kiến nghị một số vấn đề, bao gồm việc xem xét đổi lại biển tên Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà số 75 phố Đinh Tiên Hoàng như trước đây. "Dự kiến chúng tôi sẽ gửi báo cáo trong tuần này", ông Động nói.
Đơn vị đang quản lý tòa nhà trên là Công ty Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội). Cách đây 3 năm, tháng 10/2015, tấm biển "Bưu điện Hà Nội" đặt dưới đồng hồ lớn trên nóc tòa nhà được thay bằng tên "VNPT Hà Nội" màu xanh dương.
Theo đại diện phòng chuyên môn của Sở Văn hóa Thể thao, tòa nhà Bưu điện Hà Nội mặc dù được tu sửa nhiều lần song tên gọi truyền thống chưa từng thay đổi; hình ảnh quen thuộc về tên gọi của công trình cũng như chiếc đồng hồ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thủ đô.
Công ty Viễn thông Hà Nội cũng xác nhận đây là toà nhà ghi dấu nhiều giá trị lịch sử của ngành bưu điện và thủ đô Hà Nội. Theo đơn vị này, giai đoạn 1976 - 1978, toà nhà 5 tầng số 75 phố Đinh Tiên Hoàng được xây dựng, đưa vào sử dụng gắn liền với chiếc đồng hồ 4 mặt trên nóc. Tuy nhiên, tới năm 1997, biển chữ Bưu điện Hà Nội mới được lắp đặt phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra Hồ Hoàn Kiếm là biển tên của đơn vị.
Tháng 12/2007, Bưu điện thành phố Hà Nội (cũ) chia tách bưu chính và viễn thông để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội); toàn bộ tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho viễn thông, còn tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho bưu điện.
Đến tháng 10/2015, biển chữ Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà do đã sử dụng gần 20 năm bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn, không thể sửa chữa được nên đơn vị viễn thông quyết định gắn chữ mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị.
Doanh nghiệp quản lý tòa nhà khẳng định, "từ đó đến nay, VNPT Hà Nội luôn thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, chỉnh trang làm đẹp mặt ngoài toà nhà B - 75 phố Đinh Tiên Hoàng theo nguyên bản; đồng hồ trên nóc toà nhà vẫn được bảo tồn và duy trì hoạt động để phát huy giá trị biểu tượng văn hoá các công trình trong quần thể khu vực Hồ Gươm".
Trước đó tháng 1/2016, ba tháng sau khi tòa nhà thay đổi biển tên, Bộ Thông tin Truyền thông đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
“Sự thay đổi gây dư luận không tốt trong nhân dân, vì từ lâu đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã đi sâu vào tiềm thức của người dân thủ đô, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Biểu tượng đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã được khắc họa trong nhiều tác phẩm nghệ thuật”, văn bản nêu.
Vì vậy, Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị Tập đoàn đổi lại dòng chữ Bưu điện Hà Nội như trước đây.
Là người có nhiều công trình khảo cứu về văn hóa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng doanh nghiệp đổi tên tòa nhà mình đang quản lý theo đúng thương hiệu là việc bình thường. Tuy nhiên, công trình này lại ở vị trí đặc biệt, chữ Bưu điện Hà Nội quen thuộc từ hàng chục năm qua với người dân nên sự thay đổi không nhận được đồng thuận.
“Bưu điện trung tâm được coi cột mốc để tính cây số từ Hà Nội đến các nơi khác. Xóa đi một hình ảnh quen thuộc, đặt biển tên doanh nghiệp vào dễ làm người ta cảm giác chướng mắt. Tôi nghĩ đơn vị quản lý có thể đặt biển tên của mình ở một vị trí khác, có thể thấp hơn một chút, vẫn đủ nhận diện thương hiệu thì hay hơn”, ông Tiến nêu ý kiến cá nhân.
Trụ sở cũ của Bưu điện Hà Nội bao gồm tòa nhà 5 tầng, số 75 phố Đinh Tiên Hoàng và Tòa nhà số 1 phố Lê Thạch (giáp với vườn hoa Lý Thái Tổ).
Tòa nhà 5 tầng, số 75 phố Đinh Tiên Hoàng được khánh thành năm 1978, gắn chiếc đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà. Còn tòa nhà số 1 phố Lê Thạch (giáp với vườn hoa Lý Thái Tổ) do Pháp xây dựng từ năm 1901 lấy tên là Bưu điện Bờ Hồ, đã được hơn 100 năm tuổi.
Tất Định