Theo UBND TP HCM, khi có bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/h) sắp vào, cơ quan chức năng sẽ sơ tán hơn 106.300 hộ với hơn 500.000 người ở 24 quận huyện.
Trường hợp có bão cấp 10-13 (89-149 km/h), huyện đảo Cần Giờ có hơn 2.310 hộ với hơn 8.300 người phải di dời; huyện Nhà Bè là gần 5.100 hộ với hơn 20.300 người.
Trong cả hai tình huống, quận 8 phải sơ tán nhiều dân nhất với gần 22.000 hộ - hơn 86.700 người. Quận 9 phải di dời ít nhất - khoảng 800 người.
Chính quyền thành phố yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc sơ tán dân trước 12 tiếng, hoặc 24 tiếng (tùy cấp độ), so với thời điểm dự báo bão đổ bộ trực tiếp.
Khi bão sắp vào đất liền, các lực lượng: quân sự, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát PCCC, y tế, chữ thập đỏ, thanh niên xung phong... đều được huy động cùng các phương tiện để giúp dân di chuyển nhanh.
Lãnh đạo UBND, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận huyện phải xuống khu vực di dời dân, các điểm tạm cư, để kiểm tra, thực hiện kế hoạch chu đáo. Họ cũng phải bố trí lực lượng, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân... tại nơi tạm cư và bảo vệ công trình, tài sản, nhà ở của dân tại những nơi đã di dời.
Cùng với việc sơ tán dân, để hạn chế thiệt hại thấp nhất do bão gây ra, UBND TP HCM cũng yêu cầu các quận huyện và sở ngành liên quan trực ban 24/24 để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Cũng theo phương án này, tùy tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới, bão, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố quyết định cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm soát chặt việc xuất bến; cấm đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu vận tải (không bao gồm tàu biển), tàu nhà hàng... Đối với tàu biển hoạt động trong vùng nước cảng biển, Cảng vụ Hàng hải Thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của áp thấp nhiệt đới, bão và chỉ thị của Cục Hàng hải Việt Nam để điều động tàu thuyền tránh, trú bão an toàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu phối hợp với các quận huyện quyết định cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ, so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn thành phố.
Cơn bão đổ bộ vào Sài Gòn gần đây nhất là ngày 1/4/2012, mang tên Pakhar. Dù không gây thiệt hại về người nhưng bão làm gần 500 căn nhà đổ sập và tốc mái, hơn 400 cây xanh đổ, 11 ghe tàu chìm, 85 hệ thống đường điện bị hư hỏng (thiệt hại 2,6 tỷ đồng), 8 điểm ngập có độ sâu 30-50 cm.
Khi đi qua Đồng Nai và Ninh Thuận, bão Pakhar làm 2 người chết, tàn phá hàng nghìn căn nhà, hàng trăm cây xanh bị đổ...
Cách đây 3 năm, UBND TP HCM đã ban hành phương án phòng, ứng phó bão mạnh. Vào thời điểm đó, khi bão mạnh cấp 10-13 sắp đổ bộ trực tiếp vào TP HCM số người dân phải di dời chỉ là 250.000 người.
Nam Bộ hiếm khi có bão nhưng khi vào thì thiệt hại rất nghiêm trọng do người dân không có kinh nghiệm phòng chống như ở miền Trung và miền Bắc. Trong lịch sử, nhiều cơn bão đã đổ bộ vào vùng đất này và gây thiệt hại rất nặng nề.
Cụ thể như bão năm Thìn (ngày 1/5/1904): đổ bộ vào Gò Công và các vùng duyên hải Nam Bộ, đi qua Mỹ Tho, Tân An (tỉnh Tiền Giang và Long An ngày nay). Bão quật đổ chuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, là tuyến xe lửa đầu tiên của Việt Nam; hàng nghìn thuyền bè bị đắm; nước dâng cao 3,5-4 m, cuốn trôi nhiều làng ven biển; mưa to kết hợp với triều cường làm nước dâng, gây lũ ở miền Đông Nam Bộ, gây chết khoảng 5.000 người.
Bão số 5 - Linda (ngày 2/11/1997) quét qua vùng ven biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau - Kiên Giang lúc 19h với sức gió mạnh cấp 9-10, làm gần 3.000 người chết và mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm.
Theo trung tâm tư liệu khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên - Môi trường), đã có 71 cơn bão cấp 10 trở lên đổ bộ vào Việt Nam trong 50 năm qua.
Thiên Ngôn