Tim Aline Rebeaud sinh ngày 11/4/1972 tại Genève, Thụy Sĩ. Tim là tên gọi thân mật bằng tiếng Việt Nam. Cô gái da trắng 33 tuổi, tóc nâu, dáng cao dong dỏng này dễ dàng lôi cuốn người khác bằng phong thái hoạt bát và cởi mở. Đã gần 5 tháng trôi qua sau ngày động thổ công trình xây dựng Trung tâm Chắp Cánh, một cơ sở dạy nghề miễn phí rộng 1.200 m2 dành cho người nghèo và khuyết tật ở khu Bình Hưng Hòa, TP HCM, Tim giờ hơi gầy đi. Tiếng nói nghe khàn khàn vì bệnh viêm phế quản và những đêm thức khuya làm việc. Tim khoe Trung tâm Chắp Cánh đang "lớn lên". Các hạng mục thi công là ngôi nhà 1 trệt, 1 lầu sắp hoàn tất. Trung tâm gồm 5 phòng học văn hóa, 4 phòng học các nghề vẽ, may và vi tính, mỗi phòng rộng 74 m2. Ngoài phòng ăn, ngủ và phòng chăm sóc sức khỏe cho các học viên, trung tâm còn có phòng tiếp khách lớn với gian trưng bày những sản phẩm và một xưởng sản xuất đồ gỗ. Tim tin rằng việc học nghề và học văn hóa sẽ giúp người khuyết tật và trẻ lang thang tự nuôi sống bản thân và tái hòa nhập xã hội. Tiếp đó, Tim say sưa kể về kế hoạch tổ chức một buổi triển lãm các sản phẩm thủ công do người khuyết tật chế tác vào hôm 8/10 tại Nhà may mắn, số 6/17, đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú. Cô tự tin giới thiệu những bức tranh nhỏ, các mẫu thiệp chúc mừng, những con thú nhồi bông và gối trang trí làm bằng chất liệu thổ cẩm.... Tim hy vọng sẽ có nhiều người mua các sản phẩm đó để động viên những người kém may mắn. Khi được hỏi vì lý do gì cô dấn thân vào sự nghiệp làm từ thiện, Tim tâm sự về người em trai tên Vincent nhỏ hơn mình 2 tuổi, bị điếc từ nhỏ. Chứng kiến những khó khăn của Vincent trong việc hòa nhập với mọi người, Tim rất thông cảm với những người tật nguyền như em trai. Kỳ diệu thay, Vincent không đầu hàng số phận. Anh kiên trì học tập và cuối cùng lấy được tấm bằng kiến trúc sư. Bố mẹ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến Tim. Ông Laurent Ribeaud, bố Tim, là nhà chính trị và nhà hoạt động xã hội năng động ở Genève. Bà Marian, mẹ Tim, một ca sĩ đồng thời là nhà từ thiện đầy nhiệt huyết, hiện tham gia vào một tổ chức quốc tế giúp đỡ trẻ em nghèo ở Bolivia.
Còn lý do tại sao cô chọn Việt Nam? Tim đáp có lẽ do duyên nợ. Đôi mắt màu nâu xám của cô nhìn về xa xăm: "Hồi tôi mới 6 tuổi, có lần mẹ đưa tôi đến thư viện. Bà tưởng tôi bị lạc giữa những giá sách. Thật bất ngờ, bà thấy tôi đang ngồi bệt xuống đất, chăm chú nhìn vào một tập sách ảnh về chiến tranh Việt Nam. Khi lớn lên, tôi theo học Đại học Mỹ thuật Genève. Năm 20 tuổi, tôi quyết thực hiện chuyến du lịch đường bộ từ Âu sang Á: từ Bắc châu Âu, qua Nga, Siberia, Mông Cổ, Trung Quốc và cuối cùng đến Việt Nam. Ban đầu, tôi chỉ định ở lại đây một thời gian ngắn trước khi quay về Thụy Sĩ. Nhưng, định mệnh đã sắp đặt cho tôi gặp gỡ một đứa bé mồ côi, và tôi quyết ở lại mãi mãi". Giọng Tim trầm hẳn xuống. Cô nhớ về một đêm năm 1992. Trên đường về, Tim bắt gặp đứa bé trai người Campuchia trong hẻm tối. Thằng bé trạc 10 tuổi, da đen nhẻm, nằm co ro ở một góc tường, mình mẩy run bần bật vì đói. Tim ra dấu nói chuyện với đứa trẻ tội nghiệp và mời nó ăn một tô bún. Thằng bé kể bố mẹ nó bị Pol Pot bắn chết và chẳng hiểu sao nó lưu lạc đến đất Sài Gòn xa lạ. Quá xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của đứa trẻ, đêm đó, Tim đau đáu nghĩ về cuộc sống tối tăm của những đứa bé mồ côi lang thang trên đường phố. Cô ước gì có thể giúp chúng. Ít lâu sau, trong một lần đến thăm Trung tâm Điều trị bệnh tâm thần ở Thủ Đức, Tim gặp một đứa bé trai không rõ họ tên chừng 13 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, suy tim, ứ nước ở phổi và ghẻ lở khắp người. Người ta bảo thằng bé sẽ chết, nhưng Tim cho rằng nó có thể sống sót nếu được chăm sóc. Ôm thằng bé đến bệnh viện, Tim nuôi nó ăn, uống và lau rửa vết thương cho nó suốt 3 tháng trời. Cảm phục lòng nhân hậu vô biên nơi cô gái ngoại quốc kỳ lạ, những người thăm nuôi trong bệnh viện gọi Aline Rebeaud là "cô Tim" như bày tỏ sự yêu mến với cô. Khi thằng bé mồ côi hồi phục sức khỏe, Tim đem nó về sống chung với mình trong một căn nhà thuê ở khu Bình Hưng Hòa. Năm 1993, căn nhà thuê tồi tàn biến thành Nhà may mắn, một mái ấm che chở cho rất nhiều đứa trẻ không cha không mẹ khác mà Tim nhặt được trên đường phố sau này. Quay về châu Âu, với sự giúp đỡ của bố, Tim thành lập tổ chức phi chính phủ Maison Chance tại Thụy Sĩ và Pháp nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tiền giúp đỡ trẻ mồ côi và người khuyết tật ở Việt Nam. Có thời điểm Nhà may mắn ở Bình Hưng Hòa cưu mang đến 60 người. Nhiều bạn bè khắp nơi gửi tiền sang Việt Nam để giúp Tim duy trì mái ấm. Từ châu Âu, các phái đoàn tình nguyện bao gồm đủ thành phần từ sinh viên, bác sĩ và các nhà hoạt động xã hội cũng sang đây. Họ thường lưu lại chỗ của Tim khoảng 6 tháng để dạy tiếng Pháp cho học viên, hướng dẫn Tim cách chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh về tiết niệu, tim mạch, phổi và chấn thương cột sống. Đặc biệt, có ông Timothy Bond, nhân viên của tổ chức từ thiện quốc tế Terre des Homes, đến với Tim để hướng dẫn cô làm sổ sách kế toán. Mười mấy năm qua đi với biết bao kỷ niệm. Nhà may mắn là nơi những đứa con nuôi của Tim gọi cô là mẹ. Năm ngoái, mẹ Tim lên chức bà ngoại khi cô gái nuôi Võ Thị Thu Hiền sinh con gái đầu lòng. Thu Hiền vốn mắc bệnh bại liệt và cong vẹo cột sống từ nhỏ. Cô được anh Đặng Văn Lanh, một người bình thường yêu thương và cưới làm vợ. Trường hợp đáng nhớ khác là Vũ Khắc Minh, 21 tuổi. Minh bị gãy lưng do tai nạn lao động. Anh được Tim nhận vào Nhà may mắn học nghề may. Tại đây, anh tình cờ gặp gỡ một cô gái đến thăm thân nhân. Đôi trai gái yêu nhau từ lúc nào không hay. Họ thành vợ chồng và ra ở riêng. Đến nay Minh đã có hai con trai và trở thành ông chủ một xưởng may tư nhân với 10 nhân viên. Câu chuyện của Tim quay về với những lo toan hiện tại. Tim lo nhất là làm sao kiếm được đủ tiền nuôi ăn cho tất cả học viên của mình. Cô cho biết chi phí nuôi ăn, ở, thuốc thang và dạy nghề cho hơn 40 con người hằng tháng tốn khoảng 8.000 USD. Trước đây, khi chưa có nhân viên phụ tá, Tim phải làm mọi việc, từ đi chợ, nấu ăn, dạy tiếng Pháp, dạy vẽ cho các học viên đến việc liên hệ xin tài trợ và làm sổ sách kế toán. Giờ cô chủ yếu tập trung vào việc quản lý chung và dành nhiều thời gian để vận động các nguồn tài trợ từ Pháp, Thụy Sĩ, Luxembourg, Mỹ và Hàn Quốc. Tim kể hồi sáng khi bạn ở Thụy Sĩ gọi điện sang hỏi thăm sức khỏe, cô không biết phải nói từ "viêm phế quản" bằng tiếng Pháp như thế nào. 13 năm qua, cô chỉ ăn cơm Việt Nam, nói tiếng Việt Nam nên khả năng Pháp ngữ bị mai một. (Theo Thanh Niên) |