Chủ đầu tư dự án - Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè - cho biết, dự án công viên trái cây rộng gần 10 ha. Trong đó, bờ kè dài 800 m, phần lấn sông rộng gần 7 ha, vị trí xa nhất cách bờ 160 m, ước tính tổng lượng cát để san lấp khoảng trên 430.000 tấn.
Công trình chính 54.000 m2 gồm công viên, vườn cây trồng xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn, ổi, bưởi long Cổ Cò, phần còn lại là công viên cây xanh, khu thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe…
Theo ghi nhận, vị trí công trình nằm ở ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè. Sau khoảng nửa năm thi công, dự án đã hoàn thành nhiều đoạn kè đá, chưa xong phần san lấp. Tại công trình, hiện chỉ có một chiếc xáng cạp chở đá neo đậu. Một số nhà dân nằm trong dự án đã được chính quyền thông báo chuẩn bị di dời.
Đối diện với dự án này là cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) có nhiều khu vực, nhà dân bị sạt lở phải bỏ hoang.
Bà Phan Thị Bạch Tuyết, người dân cho biết, do quy mô công trình lớn, nên người dân lo ngại khi dự án hoàn thành sẽ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở thêm cho khu vực cù lao.
Ông Trần Thanh Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết, trước khi phê duyệt dự án vào năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Cái Bè thuê đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Kết luận nghiên cứu đánh giá cho thấy, khu vực lân cận công trình ít chịu ảnh hưởng của dòng chảy, mức dao động lớn nhất 0,15 m mỗi giây; khu lân cận công trình bồi 0,5 - 0,9 m mỗi năm, ở hai đầu công trình là 1,2 m mỗi năm và hiện tượng xói lở sẽ giảm sau một thời gian.
Cũng theo ông Đức, tình trạng sạt lở bờ sông thuộc cù lao Tân Phong như người dân phản ánh có khả năng do sông Tiền đoạn giáp ranh Tiền Giang và Vĩnh Long bị bồi lấp nhanh, làm dòng chảy lệch về hướng Tiền Giang gây sạt lở.
Tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh lại dòng chảy, phối hợp tỉnh Vĩnh Long nạo vét các khu vực bị bồi lắng.
Hoàng Nam - Quỳnh Trần