Với mục đích xây dựng Truông Bồn trở thành biểu tượng của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn với tổng diện tích 21,7 ha, tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đầu tư 50 tỷ đồng, còn lại sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Công trình được được khởi công từ 2010, đến nay đã hoàn thành 22 hạng mục với nhiều khu chức năng như: khu mộ, nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong, nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng liệt sĩ, nhà trưng bày truyền thống, hồ điều hòa cảnh quan - môi trường…
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Các anh, các chị đã hiến dâng cả tuổi trẻ và cuộc sống để giữ con đường chi viện cho tiền tuyến không bao giờ tắc, góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trên các chiến trường... Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên một Truông Bồn bất tử, một huyền thoại về ý chí bất khuất, kiên cường...".
Chủ tịch nước cho rằng tỉnh Nghệ An cần làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử.
Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, có chiều dài 5 km dọc theo tuyến đường 15A. Trong chiến tranh kháng chiến chóng Mỹ, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, là đầu mối giao thông để vận chuyển quân lương, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Từ năm 1964 đến 1968, tuyến đường 15A này hứng chịu 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, tàn phá 211 làng dọc tuyến đường, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh.
Rạng sáng 31/10/1968, máy bay Mỹ ném hơn 200 quả bom xuống đại đội 317, Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An trong khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom. 13/14 chiến sĩ đại đội 317 đã hy sinh.
Hải Bình