Chiều 17/10, ông Trần Văn Cường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến 254 tấn cá ở làng bè Long Sơn bị chết là do mưa lớn làm lượng oxy giảm đột ngột khiến cá ngừng ăn, lờ đờ rồi chết. Đợt cá chết vừa qua gây thiệt hại cho 90 hộ nuôi cá khoảng 30 tỷ đồng.
Theo ông Cường, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá và kết quả đo đạc trên sông cho thấy các cơn mưa khiến lượng nước đổ về sông Chà Và nhiều dẫn đến độ mặn trong nước bị giảm, lượng oxy hòa tan cũng giảm đột ngột.
Ngoài thiên tai, ông Cường cho biết mật độ các lồng quá dày, số lượng con trong lồng cũng nhiều, không tuân thủ quy định kỹ thuật nuôi cũng khiến cá chết. "Cá chim, cá bớp là hai loại sống bề mặt nước, cần rất nhiều lượng oxy nhưng cấu trúc nuôi lại san sát, cá quá dày đặc khiến lượng oxy giảm rất nhanh khi mưa xuống", ông Cường phân tích.
Ông Cường cho rằng, việc xả thải của các công ty tại cống số 6 cũng khiến lượng oxy giảm nhưng đây không phải là nguyên nhân chính khiến cá chết. "Sự việc cá chết năm 2015 đã có các cơ quan chuyên môn đánh giá, thời điểm đó là do 14 doanh nghiệp xả thải. Còn vụ việc lần này là khác nên không thể đánh đồng việc công bố kết quả này sẽ tác động xấu tới vụ kiện", ông nói.
Trước việc cơ quan chức năng công bố nguyên nhân cho rằng do mưa lớn, nhiều người nuôi cá ở làng bè Long Sơn phản ứng. Họ cho rằng chỉ có việc xả thải mới có thể gây cá chết hàng loạt. "Bè của tôi có hệ thống sục oxy lớn, có nhân viên kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng nước, thức ăn và kỹ thuật nuôi mà cá vẫn chết hàng chục tấn thì sao bảo là do mưa được", ông Biên, một hộ dân với 200 lồng cá nói.
Trước đó, sau nhiều ngày cá chết liên tục, sáng 13/10, hàng chục người dân làng bè Long Sơn đã đưa nhiều cá bớp khoảng 5 kg ra chặn quốc lộ 51 kêu cứu khiến giao thông về TP HCM ùn tắc 3 giờ.
Phước Tuấn - Xuân Thắng