Chiều 9/11, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Đại biểu Lâm Đình Thắng - Phó bí thư Quận uỷ Bình Thạnh (TP HCM), cho biết khảo sát nhóm sinh viên sau này sẽ là nguồn nhân lực hành chính ở ba trường Đại học Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia và Đại học Luật, ông thấy chỉ có Học viện Hành chính Quốc gia có học Đạo đức công vụ và Luật phòng chống tham nhũng. Đại học Nội vụ không học môn này, chỉ trừ sinh viên chuyên ngành thanh tra, hoặc chuyên ngành có liên quan. Còn sinh viên Đại học Luật chỉ sinh viên chất lượng cao mới học Luật phòng chống tham nhũng.
"Bên cạnh môn đạo đức công vụ, nên quy định bắt buộc có môn học về Luật phòng, chống tham nhũng, ít nhất với sinh viên ngành luật, hành chính, nội vụ", ông Thắng nói.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa đồng tình với đại biểu Thắng và đề nghị không chỉ đưa Luật vào nhà trường còn phải có các công trình nghiên cứu khoa học về tham nhũng.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện cán bộ TP HCM, về mặt giáo dục để ngăn ngừa tội phạm thì không chỉ vấn đề tham nhũng mà còn an ninh trật tự, và đòi hỏi môn giáo dục đạo đức phải được chú trọng từ mầm non, tiểu học.
Ông Ngân cho biết, tới đây ở Học viện cán bộ TP HCM trong chương trình đi tham quan sẽ bổ sung điểm đến là nhà tù, nơi cán bộ tham nhũng bị xử lý để học viên thấy được hậu quả của việc này.
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ đồng tình đề xuất cho sinh viên, học viên học quản lý nhà nước thăm nhà tù. Ông cho biết, ngày học ở Mỹ về Quản lý hành chính cũng đã được đi thăm nhà tù, nhà máy xử lý rác... để biết thực tế ở đó ra sao.
Ngăn chặn tham nhũng tẩu tán tài sản ra nước ngoài
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng lần này phải làm được một việc quan trọng, đó là đề ra cơ chế để cơ quan chức năng điều tra được việc quan chức tham nhũng tẩu tán tài sản đưa ra nước ngoài.
"Hiện nay thực trạng tham nhũng lớn, lại có móc ngoặc, câu kết với nhóm lợi ích đưa tài sản ra nước ngoài, Nếu không ngăn chặn được thì đây sẽ là sơ hở lớn", ông nói.
Theo ông Nghĩa, ở các nước phương Tây kiểm soát rất tốt vấn đề này. Ví dụ một quan chức Pháp đưa vợ con đi du lịch Canada, mua cái áo lông 6.000-7.000 USD về sẽ bị phát hiện ngay và nếu hoá đơn không hợp pháp thì sẽ bị chế tài.
"Chúng ta phải xem công chức đi làm vài chục năm, kể cả kết hợp buôn chổi hay lái xe ôm, thì có tích luỹ được tài sản lớn hay không? Nếu anh không giải trình được nguồn gốc thì tài sản đó phải bị xử lý. Đây là vấn đề cử tri rất bức xúc. Sửa Luật phải giải quyết được điều đó, nếu không thì không thu hồi được tài sản tham nhũng", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Công khai tài sản quan chức ở nơi cư trú thì "dân yên tâm"
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội, cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng chỉ cần tập trung vào ba vấn đề quan trọng nhất. Một là ai có khả năng, nguy cơ tham nhũng thì đưa vào diện kiểm soát; các trường hợp được đưa vào phải lựa chọn, tránh lập danh sách tràn lan, cơ quan chức năng không đủ khả năng quản lý.
Hai là, khi xác định được danh sách rồi thì bắt buộc các trường hợp trong danh sách đó phải công khai tài sản, thu nhập.
"Phương án công khai ở cơ quan nơi làm việc và công khai nơi cư trú thì dân rất yên tâm, còn nếu nói công khai chi bộ thì quá bằng giấu kín đi, vì trong đó chẳng ai chê ai bao giờ", ông Lợi nói.
Thứ ba, về biện pháp kiểm soát, ông Lợi băn khoăn tại sao dự luật chỉ quy định cán bộ, công chức giao dịch trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán qua tài khoản, trong khi "nhiều lần 20 triệu cũng thành bạc tỷ rồi".
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Viện Tim Hà Nội, đề nghị người thân của cán bộ cấp cao cũng phải kê khai tài sản. Ông lấy ví dụ, liên quan đến vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định không có người thân trong doanh nghiệp thì xuất hiện thông tin em chồng của Bộ trưởng tham gia. Việc này dù được giải thích em chồng không thuộc diện cấm kinh doanh trong lĩnh vực Bộ trưởng phụ trách, nhưng cũng đã tạo ra dư luận.
"Vậy thì phải quy định với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ hoặc chồng", ông Tuấn đề nghị
Ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) thì cho rằng, nên buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên của cán bộ. Ông ví dụ vừa qua có báo chí phản ánh khối tài sản lớn của con một cán bộ, trong khi người con này còn rất trẻ.
Cũng đề cập đến vấn đề trên, Phó bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lại đề nghị "không nên cầu toàn" trong quy định về quan hệ của cán bộ với người thân.
Bà cho rằng, "nên đưa rào chắn ít thôi vì chắn nhiều thì vi phạm quyền tự do con người đã quy định trong Hiến pháp".
Theo bà, nếu một người trong gia đình làm lãnh đạo ở lĩnh vực nào đó, mà cả dòng họ, anh em rể... không được tham gia trong lĩnh vực đó thì "hạn chế quyền tự do của người ta". Hơn nữa, còn nhiều luật khác điều chỉnh hành vi của cá nhân chứ không chỉ Luật phòng, chống tham nhũng.
"Khi chưa yêu con mình thì cô gái hoạt động ở lĩnh vực đó, chả lẽ lấy xong phải bỏ việc vì mình là cán bộ quản lý lĩnh vực hay sao? Hay khi chưa làm xui gia với mình, họ làm chủ doanh nghiệp đó, nếu làm xui gia với mình, trùng lĩnh vực mình đang phụ trách, không lẽ họ đành phải giải tán doanh nghiệp?", bà Tâm lấy ví dụ.
Ngày 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).