Ngày 23/9, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Vấn đề rác thải tồn đọng được người dân đưa ra.
Lãnh đạo Cao đẳng Kỹ thuật ôtô (thị xã Sơn Tây) phản ánh, từ đầu năm đến nay, nhiều lần người dân chặn xe vào khu xử lý rác thải Xuân Sơn khiến rác chất đống đầy đường nhiều ngày.
“Chỉ có vài ba người dân căng màn chặn bãi rác, nhưng chính quyền không làm được gì. Những ngày oi bức hay gió nồm, rác bốc mùi hôi khó chịu", Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Ba Vì Nguyễn Văn Mễ bức xúc nói.
Phản hồi ý kiến cử tri, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng và Chủ tịch thị xã Đặng Vũ Nhật Thăng đều cho biết chính quyền cơ sở đang tích cực tuyên truyền và phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết vấn đề trên, tuy nhiên không đưa ra được mốc thời gian cụ thể.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, bãi rác Xuân Sơn công suất 1.200-1.300 tấn/ngày, đi vào hoạt động được 11 năm và hiện tiếp nhận rác thải sinh hoạt của 10 quận, huyện. Từ ngày 5/8 đến nay, một số hộ dân ngăn cản xe chở rác vào bãi gây nên tình trạng tồn đọng ở nhiều quận huyện.
Trước mắt thành phố đã chuyển hướng cho tám quận huyện đổ rác lên bãi Nam Sơn (Sóc Sơn). Thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì thành lập bãi tập kết tạm, có xử lý môi trường.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tính toán, gần hai tháng đường vào bãi rác bị người dân chặn, trung bình mỗi ngày số lượng rác thải sinh hoạt của thị xã Sơn Tây là 146 tấn, cộng dồn đến nay lên tối thiểu 3.000 tấn. Tương tự, mỗi ngày huyện Ba Vì có trên 100 tấn rác thải cần được mang đi xử lý.
Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, người dân cần biết chia sẻ, vì lợi ích chung của cộng đồng. Thành phố đã vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ, xây dựng nhiều hạng mục phục vụ người dân ở nơi chịu sự ảnh hưởng của khu xử lý rác.
Tuy nhiên, theo Bí thư Hà Nội “không thể để một nhóm người làm ảnh hưởng đến lợi ích cả thành phố”. Các đơn vị liên quan đầu tuần tới cần tiếp tục tổ chức họp để có giải pháp xử lý dứt điểm việc người dân cản trở xe chở rác vào bãi.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quy hoạch toàn TP Hà Nội có 18 khu xử lý rác thải. Hiện có 8 khu đã được cải tạo nâng cấp mở rộng, trong đó 2 khu đã có chủ trương của thành phố là dừng chôn lấp và trồng cây xanh gồm Kiêu Kỵ - Gia Lâm và Vân Đình - Ứng Hoà; 6 khu đang tiếp tục đầu tư cải tạo với diện tích hơn 300 ha, trọng tâm là khu tại Sóc Sơn và Xuân Sơn. 10 khu xây dựng mới, trong đó có 6 khu đang được triển khai theo hình thức xã hội hóa, còn lại chưa thực hiện. |