Tại TP HCM hiện có 6 cầu vượt bộ hành rải khắp các quận nội, ngoại thành để người dân qua đường, hạn chế tai nạn và ùn tắc, gồm: Cống Quỳnh (trước Bệnh viện Từ Dũ, quận1), Nơ Trang Long (Bệnh viện Ung Bướu), Văn Thánh (Bình Thạnh), Suối Tiên (Thủ Đức), Nguyễn Trãi (quận 5), Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận).
Rất nhiều người băng ngang qua đường trước Bệnh viện Ung bướu (quận Bình Thạnh) mà không chịu sử dụng cầu vượt nên giao thông khu vực này thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: H.C. |
Tuy nhiên, hiện chỉ có một số cầu vượt được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, số còn lại hoặc bị "ế", không có người đi hoặc bị hàng rong chiếm cứ, rác bao vây rất nhếch nhác.
Tại khu vực ngoại thành, cửa ngõ thành phố như ở cầu vượt Suối Tiên, bắc ngang qua Xa lộ Hà Nội, vì mặt đường khá rộng, lượng xe cộ luôn rất đông nên hiện nay cầu đi bộ đã được nhiều người sử dụng để qua đường. Tuy nhiên, hiện suốt chiều dài mặt cầu đang bị hàng rong, xem bói toán, tử vi... chiếm dụng khiến người đi bộ không còn lối đi. Cầu thang đi lên rác thải tràn lan, nhiều người dù sợ tai nạn vẫn không muốn phải leo lên cầu.
Vào đến các quận nội thành, tình hình cũng không khá hơn. Tại cầu vượt Từ Dũ, cầu vượt được xem là hiện đại nhất TP HCM với mái che, kính chắn kiên cố, dù mật độ giao thông qua tuyến đường này rất cao và nhu cầu qua lại giữa 2 cơ sở của bệnh viện luôn rất đông đúc, nhưng rất ít người sử dụng. Người dân và thậm chí cả các y, bác sĩ của bệnh viện đều băng ngang qua đường vừa nhanh, vừa đỡ mất công leo lên cầu vượt mà lại không tiện lợi.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, một nguyên nhân khiến cầu vượt này bị "ế" là vị trí xây dựng chưa hợp lý, gây khó khăn cho người qua đường. Theo thiết kế sẽ nối nhịp trực tiếp lên lầu một của Bệnh viện Từ Dũ nhưng cuối cùng không làm được. Và gần đây, khi cơ sở mới Bệnh viện Từ Dũ được xây dựng thì cầu vượt này hầu như bị bỏ hoang.
Hàng rong, bói toán... lấn chiếm hết lối đi của người đi bộ trên cầu vượt bộ hành trước khu du lịch Suối Tiên (quận Thủ Đức). Ảnh: H.C. |
Không chỉ nhiều rác và bị hàng rong chiếm cứ, ở một số cầu vượt còn vương vãi kim tiêm. "Tôi tập thể dục buổi sáng và qua đường bằng cầu vượt cho an toàn. Nhưng từ khi thấy nhiều kim tiêm vương vãi trên đó tôi không dám đi nữa. Chẳng may đạp phải thì rất nguy hiểm. Mấy đứa nhỏ, tôi cấm không dám cho đứa nào đi lên cầu", bà Sáu nhà ở gần cầu vượt Nguyễn Trãi cho biết.
Trong khi đó, ở cầu vượt trên đường Nơ Trang Long, trước Bệnh viện Ung Bướu (Bình Thạnh), người bán hàng rong, xe ôm, xích lô, taxi… thi nhau đậu bắt khách ngay dưới chân cầu, choán hết lối đi lên. Bệnh nhân và bác sĩ không còn cách nào khác là băng ngang qua đường.
Theo ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TP HCM, ngoài thói quen của người dân cứ thích băng qua đường cho nhanh thì còn do việc chọn vị trí xây dựng một số cầu chưa hợp lý nên không được nhiều người sử dụng. Chẳng hạn như cầu vượt Văn Thánh thỉnh thoảng mới có một người đi vì nhu cầu người dân qua đường ở khu vực này rất ít, kại thiết kế ngay ngã tư, nơi người dân có thể đi bộ qua đường nên chẳng cần cầu vượt làm gì.
Thậm chí cầu vượt trở thành điểm tụ tập của các con nghiện. Trong ảnh, kim tiêm quăng bừa bãi trên cầu vượt Nguyễn Trãi (quận 5). Ảnh: Tá Lâm. |
Cũng theo ông Quân, cầu vượt đi bộ ở bệnh viện phải được thiết kế đi luôn vào trong bệnh viện. Chứ đã mất công leo lên cầu vượt, rồi lại phải đi xuống rồi mới vào bệnh viện thì tất nhiên người ta sẽ chọn cái nào nhanh, tiện hơn. "Cũng cần có biện pháp xử nặng người đi bộ băng ngang qua đường như ở nước ngoài bởi hành vi này rất nguy hiểm. Chúng ta chẳng mấy khi thấy người đi bộ bị xử phạt nên họ cứ ngang nhiên băng qua đường", ông Quân nói.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, các cầu vượt bộ hành tại TP HCM chủ yếu phục vụ cho việc qua đường của người dân tại các bệnh viện, một số ở khu vực xe cộ đông đúc. Song, do thói quen của người dân muốn cho nhanh, cho tiện nên không chịu sử dụng cầu.
"Sở Giao thông Vận tải từng phải sử dụng biện pháp bắt buộc xây dựng hàng rào chắn dọc 2 bên đường dưới chân cầu vượt để người dân phải sang đường bằng cầu này trước Bệnh viện Ung Bướu. Hiện cũng khả quan nhưng vẫn còn một số người bất chấp nguy hiểm, vô tư băng ngang qua đường", lãnh đạo Sở cho biết.
Theo vị này, việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân mới là vấn đề mấu chốt. Các cầu vượt bị hàng rong chiếm dụng, nhếch nhác và cả hiện tượng kim tiêm vương vãi là do địa phương thiếu quản lý. "Thanh tra Sở cũng có trách nhiệm nhưng không thể có mặt xử lý 24/24h được. Điều này phải nhờ vào chính quyền địa phương có cầu vượt bộ hành mạnh tay xử lý", vị lãnh đạo này nói.
Nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM trong năm 2012, Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) đang khảo sát xây dựng thêm một số cầu vượt bộ hành và hầm bộ hành; nghiên cứu đề xuất các phương án xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý các cầu vượt cho người đi bộ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), trước Bến xe An Sương - quốc lộ 22...
Ngoài ra, còn có giải pháp được đề xuất là xây dựng một số cầu quay đầu xe, cầu vượt kết cấu thép lắp ráp (tải trọng dưới 3 tấn); mở rộng các hẻm nối thông giữa các tuyến đường để giảm áp lực giao thông cho các tuyến chính và nút giao thông có lưu lượng xe cao…
Hữu Công