Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM cho biết vừa cho gia đình bảo lãnh chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) về nhà chiều 27/9.
Hai thiếu nữ bị UBND phường Tam Bình, quận Thủ Đức, đưa vào trung tâm 10 hôm trước.
Liên quan vụ việc, Chủ tịch UBND phường Tam Bình Lê Nguyễn Trọng Quốc cho biết, thực hiện kế hoạch phòng ngừa kéo giảm phạm pháp hình sự trên địa bàn, công an phường kiểm tra hành chính quán cà phê MU trên đường D (khu dân cư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức) chiều 18/9.
Tổ công tác yêu cầu những người trong quán, trong đó có Nhung và Kiều xuất trình giấy tờ tùy thân. Do hai cô gái không có bất kỳ giấy tờ nào nên bị mời về trụ sở.
Nhung cho biết không đăng ký tạm trú ở TP HCM, có mẹ ở đây nhưng không rõ ở đâu và không liên lạc được. Tương tự, Kiều không có người thân ở Sài Gòn.
"Dù công an phường yêu cầu hai đương sự gọi điện nhờ người nhà mang các loại giấy tờ đến để làm thủ tục bảo lãnh về nhưng họ không hợp tác, không gọi cho ai", ông Quốc nói và khẳng định tổ công tác làm đúng, không gây khó dễ cho hai cô gái.
Đến gần 20h, công an phường phối hợp cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội lập hồ sơ đưa hai cô gái vào Trung tâm hỗ trợ xã hội, theo diện người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định.
Trao đổi với VnExpress, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, mẹ của chị Nhung) tỏ ra bức xúc, cho rằng "ông chủ tịch" nói không đúng sự thật.
"Khoảng 18h hôm đó con tôi gọi điện kêu tới bảo lãnh. Tôi đang ở chỗ làm bên quận 2 phải tức tốc đạp xe về nhà trọ tìm giấy tờ. Nhưng chỉ một lúc sau con tôi gọi, nói bị đưa vào trung tâm xã hội, kêu lên đó lãnh. Tôi lên trung tâm chờ từ trước khi xe đưa con tôi vào", bà Nghĩa khẳng định.
Theo bà Nghĩa, trung tâm sau đó lại yêu cầu bà về, sáng hôm sau đem giấy tờ đến. Tuy nhiên, khi bà mang CMND, hộ khẩu của hai mẹ con quay lại cán bộ ở đây bảo chưa đủ thủ tục, yêu cầu về quê xin giấy xác nhận mới được giải quyết.
"Công an ở Tiền Giang chứng nhận xong tôi đem lên trung tâm ngay nhưng tới 5 ngày sau họ mới giải quyết cho con tôi về", bà Nghĩa nói.
Trước sự việc được cho là bất thường, Công an quận Thủ Đức, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM đã yêu cầu cán bộ liên quan làm giải trình, kiểm điểm trách nhiệm.
Theo Điều 2, Quyết định số 29 của UBND TP HCM có hiệu lực từ ngày 1/8 về quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định. Người sinh sống nơi công cộng là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn ngủ nơi công cộng. Nơi công cộng là vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm xe buýt, bến xe, bến tàu, chợ và những nơi công cộng khác. Người không có nơi cư trú ổn định là không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không một nơi ở cố định. |
Tuyết Nguyễn