Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 16h chiều 31/10, tâm áp thấp nhiệt đới còn cách Côn Đảo khoảng 300 km về phía Đông Đông nam, sức gió mạnh nhất 60 km/giờ (cấp 6-7), giật cấp 9.
Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20 km mỗi giờ, đến chiều mai tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển Bến Tre - Cà Mau, giữ nguyên cấp độ gió.
Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2 đến 4 m; biển động mạnh.
Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới khiến đêm nay đến hết ngày 2/11, nhiều nơi ở Nam Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa lớn và dông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 50-150 mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có nơi trên 200 mm.
Trong khi đó, một cơn áp thấp nhiệt đới khác đang ở khu vực phía Đông miền trung Philippines. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới này di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20 km mỗi giờ và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến cuối chiều mai, tâm bão ở trên khu vực miền trung Philippines, cách đảo Palawan khoảng 100 km về phía Đông với gió mạnh nhất 75km/giờ (cấp 8), giật cấp 10.
Sáng nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thông tin ngay đến ngư dân diễn biến của áp thấp nhiệt đới, cũng như hướng dẫn bà con về nơi tránh trú an toàn.
Các tỉnh ven biển chú ý di chuyển lồng bè thủy sản về nơi an toàn, nhất là khu vực Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - nơi dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới.
Trong đất liền, các địa phương được yêu cầu cảnh báo kịp thời cho dân cư ở các khu vực nguy hiểm, những vùng dễ xảy ra sạt lở bờ sông và tràn đê biển. Kiên quyết di dời dân ở các khu vực này.
Hữu Nguyên