UBND TP Hà Nội vừa trình Chính phủ văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn.
Tổng mức đầu tư của 3 dự án trên khoảng 125.000 tỷ đồng, trong đó hai dự án đã có doanh nghiệp đề xuất đầu tư theo hình thức BT, Hà Nội làm chủ đầu tư dự án còn lại.
Để có vốn triển khai, Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép huy động vốn từ 6 nguồn trong thời gian 8 năm (2018-2025), cụ thể như: Tiết kiệm chi thường xuyên; tăng thu ngân sách thành phố; nguồn thu từ cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020; bán nhà chuyên dùng, trụ sở các sở, ngành sau khi sắp xếp tập trung vào 2 khu hành chính Vân Hồ, Võ Chí Công; đấu giá quyền sử dụng đất và phát hành trái phiếu trong trường hợp các nguồn lực trên chưa đủ hoặc chưa kịp thời.
Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị nêu trên và áp dụng cơ chế đặc thù để tạo nguồn vốn thực hiện; chỉ đạo Hội đồng thẩm định Nhà nước ưu tiên xem xét, tổ chức thẩm định để đảm bảo tiến độ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ hop tháng 6/2018.
Ba dự án đường sắt đô thị được Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, đi ngầm toàn tuyến với chiều dài gần 6km.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc có chiều dài toàn tuyến trên 38km, đi ngầm 8km, 2km đi trên cao, 28,4 km đi bằng.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7 km (đi qua địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai), đi ngầm 8,13 km.
Thành phố Hà Nội đang xây dựng khu liên cơ nằm trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ). Dự kiến tám sở, ngành (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) sẽ được di dời về khu liên cơ sau khi công trình hoàn thành. Khu liên cơ thứ hai được xây dựng tại 52 Lê Đại Hành (Sở Xây dựng hiện nay), đây sẽ là nơi làm việc của các sở, ngành còn lại. |