|
Video: Vũ Đoan |
Tối 15/3, hàng nghìn giáo dân thuộc các giáo xứ trên địa bàn giáo phận TP HCM tập trung về Toà giám mục (180 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) đón linh cữu Đức giám mục Bùi Văn Đọc.
Khuôn viên tòa Tổng giám mục không còn chỗ trống. Phía ngoài, hai bên đường Trần Quốc Thảo và Nguyễn Đình Chiểu, rất đông người xếp hàng chờ.
"Đức Tổng giám mục Phaolô đã được Chúa gọi về đến nay đã hơn một tuần. Biết thi hài Ngài được đưa về đây để tổ chức tang lễ nên tôi và mọi người tranh thủ đến đón", bà Lan – giáo dân thuộc giáo xứ Phú Xuân (Nhà Bè) chia sẻ.
Hơn 18h, dọc hai bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi (trục đường chính từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP HCM), nhiều giáo dân mang theo nến sáng, ảnh Tổng giám mục Phaolô... chờ đón đoàn xe tang chở linh cữu Đức Tổng đi qua.
18h55, chuyến bay EK 392 của hãng hàng không Emirates (Roma - Dubai) chở thi hài Đức Tổng giám mục Giáo phận TP HCM Phaolô Bùi Văn Đọc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồng loạt 203 nhà thờ thuộc Tổng giáo phận TP HCM đổ chuông báo tử để báo tin, đồng thời cùng dâng lời cầu nguyện cho cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc.
Sau khi làm thủ tục, linh cữu ông nhanh chóng được đưa về Toà giám mục TP HCM.
20h30, trong bài thánh ca "sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay, đã qua bao ngày trọn một kiếp này..." của hàng nghìn giáo dân, linh cữu Đức Tổng giám mục Phaolô được đưa vào tòa Tổng giám mục. Ngay sau đó là thánh lễ phát tang do Đức giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Giám quản Tổng giáo phận Sài Gòn) thực hiện.
Theo phong tục Việt Nam, việc chịu tang người đã chết là dấu chỉ của tình cảm và mối liên hệ giữa người sống và người chết. Theo nghi thức công giáo, khi Giám mục một giáo phận qua đời, các giáo dân trong giáo phận sẽ đeo tang để tỏ lòng tôn kính, tri ân và tưởng nhớ vị chủ chăn.
Các giáo dân được ví như con chiên, còn linh mục, giám mục là những vị mục tử - người chăn chiên.
Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc sinh ngày 11/11/1944 tại Đà Lạt. Ông được thụ phong chức Linh mục vào ngày 17/12/1970. Năm 1995, ông được bổ nhiệm làm Tổng đại diện Giáo phận Đà Lạt. Bốn năm sau, ông được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho.
Năm 2013, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm ông làm Tổng giám mục, Phó tổng Giáo phận Sài Gòn; đồng thời làm giám quản Tông Tòa Giáo phận Mỹ Tho. Ngày 22/3/2014, Đức Giáo hoàng Francis đã chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng Giám mục của Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục phó Phaolô Bùi Văn Đọc kế vị chức Tổng giám mục.
Đức giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời tại Vatican (Roma, Italy) lúc 5h ngày 7/3, hưởng thọ 74 tuổi. Ông bị đột quỵ sau khi dâng Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô, ngoại thành Roma. Dù được đưa ngay đến bệnh viện nhưng ông không qua khỏi.
Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc cùng 32 người trong Hội đồng giám mục của Giáo hội công giáo Việt Nam đang có chuyến hành hương Ad Limina. Đoàn đi từ Pháp sang Roma để gặp Đức Giáo hoàng Francis hôm 5/3, trình bày về tình hình Giáo hội công giáo Việt Nam.
Ngay sau khi Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời, hôm 8/3 Tòa thánh Vatican bổ nhiệm Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng làm Giám quản Tông tòa Tổng giáo phận Sài Gòn - TP HCM.
Trong suốt thời gian làm Tổng giám mục giáo phận TP HCM, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc được nhớ đến là một vị chủ chăn đặc biệt quan tâm cho những người nghèo. Đầu tháng 11 vừa qua, Đức cha tổ chức bữa cơm cho 600 người nghèo và tặng quà cho họ. Ông chăm lo đến tất cả các giới trong Tổng giáo phận, từ trẻ em, người lớn đến các tổ chức đoàn thể.
Vị Tổng giám mục còn mở những giáo điểm để xin phép xây dựng nhà thờ 4 hướng, giúp các giáo dân nhập cư đến TP HCM có thể sống với niềm tin của mình.
Sáng 16/3, linh cữu Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc được đưa đến Nhà thờ Đức Bà (quận 1) để cử hành thánh lễ và kính viếng. Đến 20h sẽ di quan sang Trung tâm Mục Vụ (đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1). 8h ngày 17/3, thánh lễ an táng đồng tế được tổ chức tại Trung tâm Mục Vụ. Sau đó, thi hài đức Tổng giám mục Phaolô sẽ được an táng bên cạnh mộ của cố Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình - trong cung thánh nhà nguyện (cũ) của Tiểu Chủng viện Sài Gòn. |
Hữu Công