Rừng phòng hộ bị tàn phá nhìn từ trên cao. Video: Hà Nguyễn.
Sở Nông nghiệp Quảng Nam cho hay, từ năm 2010 đến cuối tháng 9/2017, trên địa bàn xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước có hơn 124 ha rừng phòng hộ bị "xóa sổ", lấy đất trồng keo.
Trong năm 2017, nhà chức trách phát hiện 10 vụ vi phạm, phá hơn 24 ha rừng; riêng ngày 17/8, cơ quan chức năng xác định được ông Phùng Văn Bảy (xã Tiên Lãnh) thuê nhóm người ở huyện Bắc Trà My phá hơn năm ha rừng.
Huyện kêu "ít người"
Trước tình trạng trên, ông Lê Trí Hiệu - Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho rằng, nguyên nhân là Hạt kiểm lâm Tiên Phước và Nam Quảng Nam sáp nhập, đóng tại huyện Phú Ninh nên việc kiểm soát rừng gặp khó. Trong khi đó, kiểm lâm địa bàn xã Tiên Lãnh chỉ có một người, không đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ rừng.
Ông Võ Hồng Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, cũng cho biết, xã có trên 2.000 ha rừng phòng hộ, giáp ranh với nhiều địa phương khác, trong khi chỉ có một kiểm lâm địa bàn phụ trách nhưng thay đổi nhân sự liên tục.
"Rừng phòng hộ tại địa phương giao khoán cho người dân quản lý. Tuy nhiên tiền chi trả mỗi ha một năm chỉ là 200 ngàn đồng, việc chi trả chậm nên quản lý, bảo vệ rừng gặp khó", ông Nhiệm nói.
Theo ông Nguyễn Văn Cự - Trưởng công an huyện Tiên Phước, trước đây tình trạng phá rừng chỉ diễn ra nhỏ lẻ, từ năm 2016 và 2017 thì phá ồ ạt, gây thiệt hại lớn đối với rừng phòng hộ.
"Địa bàn rừng bị phá nằm xa xôi, có những vụ sau hơn một năm mới phát hiện, lúc đó cây mới đã lên. Kiểm lâm khởi tố vụ án chuyển qua công an thì vụ việc đã cũ rồi, rất khó điều tra", ông Cự nói.
Tỉnh bảo "người không ít"
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam, phản bác các ý kiến nêu trên, và tranh luận rằng "cấp xã, huyện nêu nguyên nhân diện tích rừng phòng hộ lớn, lực lượng kiểm lâm ít là không đúng".
Ông Đức dẫn chứng, huyện Tiên Phước có trên 4.000 ha rừng phòng hộ, tập trung ở các xã Tiên Lãnh, Tiên An, Tiên Hiệp... Trong đó, xã Tiên Lãnh trên 2.500 ha. Khi Hạt kiểm lâm Tiên Phước sáp nhập về Hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam thì bộ máy vẫn giữ nguyên. "Tại huyện này có Trạm kiểm lâm với sáu cán bộ quản lý rừng, diện tích rừng như vậy là không lớn, số người nhiều, chứ không phải ít", ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng, rừng bị phá do lực lượng chức năng làm công tác tuyên truyền chưa tốt; lâu nay người dân sống nhờ rừng, nhưng phát triển kinh tế rừng phòng hộ chưa giải quyết được vấn đề này. “Phải tìm cách để dân sống nhờ rừng, từ đó mới giữ được rừng”, ông Đức nêu quan điểm và đề nghị công an làm rõ ai đứng sau thuê ông Phùng Văn Bảy cùng nhóm người ở huyện Bắc Trà My phá hơn năm ha rừng phòng hộ.
"Ông Bảy là hộ nghèo làm sao có tiền để thuê người khác phá rừng? Cơ quan chức năng làm rõ được vấn đề này thì người dân địa phương sẽ tin tưởng, tham gia bảo vệ rừng tốt hơn", lãnh đạo Sở Nông nghiệp nói.
Trước đó ngày 13/9, báo giới phản ánh, nhiều người dân đã mang cưa máy đốn hạ rừng tự nhiên xã Tiên Lãnh để lấy đất trồng keo. Từng mảng rừng bị "xẻ thịt", đốt cháy nham nhở để lại thân cây, gốc cây nằm la liệt. Những cây keo cao khoảng 30 cm được trồng bên cạnh những thân cây lớn đã bị đốn hạ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Nam xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo kết quả trước ngày 31/10.
Ngày 22/9, đoàn công tác tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra hiện trường. Ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, yêu cầu công an khẩn trương tìm ra chủ mưu thuê người phá rừng; huyện Tiên Phước phối hợp với kiểm lâm xác định chính xác diện tích rừng bị phá.
Công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án phá rừng.