Ngày 12/7, chất vấn Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Nguyễn Việt Dũng tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Đỗ Khắc Tuấn đề cập việc thành phố thuê siêu máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) nhưng tình trạng không cải thiện. Nguyên nhân là có sai sót trong kỹ thuật như: miệng ống bơm thiết kế không đúng, ống bơm không chịu nổi áp lực...
"Trước khi ký hợp đồng, Sở có tham mưu cho thành phố về những điểm này không? Thành phố đã và sẽ chi bao nhiêu cho việc thuê máy bơm", ông Tuấn hỏi.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, Sở đã phối hợp các cơ quan tham mưu cho UBND thành phố trước khi thuê máy bơm. Tuy nhiên, đứng ở góc độ khoa học, ông cho rằng không nên quá đòi hỏi giải pháp có hiệu quả ngay lập tức, bởi từ nghiên cứu khoa học đi đến có sản phẩm là cả một quá trình.
"Máy bơm hiện chống ngập có hiệu quả không, là điều chưa thể vội vàng đánh giá. Thực tế cho thấy chỉ có 1-2 lần máy bơm chống ngập không thành công do không vận hành được", ông Dũng nói.
Theo Giám đốc Sở Khoa học thành phố, phải rà soát kỹ những lần máy bơm chống ngập thất bại nguyên nhân gì và tìm cách khắc phục. Nếu ngay từ đầu cắt ngang những sáng tạo thì không thể thấy được dự án hiệu quả thế nào.
Về kinh phí thành phố đã chi cho dự án này, ông Dũng nói "không nắm". "Doanh nghiệp đã cam kết không hết ngập không lấy tiền - đây là mô hình tốt. Giai đoạn đầu có gặp khó khăn thì chúng ta nên cùng nhau chia sẻ để vượt qua, chứ không nên bác bỏ ngay nghiên cứu của họ", ông Dũng nêu quan điểm.
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo 'đột tử' là bình thường
Trong khi đó, bày tỏ sự quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng, thời gian qua số lượng đề tài cũng như tính ứng dụng, chất lượng của các đề tài còn khiêm tốn. "Nguyên nhân và giải pháp trọng tâm thời gian sắp tới của Sở là gì?", bà Thanh hỏi.
Sang vấn đề khác, đại biểu Thanh dẫn thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều công ty khởi nghiệp không có cơ hội "kỷ niệm sinh nhật lần thứ hai của mình". "Với đặc thù của một thành phố năng động và sáng tạo, chúng ta có những giải pháp gì để hỗ trợ họ vượt qua thử thách khởi nghiệp", bà Thanh chất vấn.
Cũng quan tâm đến khởi nghiệp, đại biểu Cao Thanh Bình nói rằng, các chuyên gia đánh giá hầu hết vườn ươm sáng tạo khối Nhà nước chưa phát triển tương xứng với đòi hỏi của cộng đồng khởi nghiệp. Từ đó, ông đề nghị Sở cho biết thực trạng, giải pháp trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Khoa học Nguyễn Việt Dũng, hàng năm Sở đều hỗ trợ sinh viên thông qua Trung tâm sáng tạo trẻ của Thành đoàn thực hiện vườn ươm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nguồn ngân sách dành cho sinh viên nghiên cứu còn ít.
Sắp tới, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí hàng năm tổ chức các cuộc thi để lựa chọn ý tưởng tốt, đưa vào các vườn ươm để họ hoàn thiện các sản phẩm trước khi tiếp cận giai đoạn thứ hai là chương trình Startup; tăng cường công tác truyền thông về hoạt động đổi mới sáng tạo.
Về việc doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dễ "đột tử", ông Dũng khẳng định đây là chuyện bình thường trên thế giới, bởi họ có ý tưởng đột phá. Sự đột phá có thể thành công, song không gặp thời là thất bại. "Sở đang thông qua các chương trình huấn luyện về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để các doanh nghiệp có thể lường trước những khó khăn, tính toán kế hoạch chặt chẽ để giảm thiểu khả năng thất bại", ông Dũng cho biết.
Người đứng đầu ngành khoa học TP HCM nhìn nhận, các cơ sở vườn ươm của Nhà nước hiện chưa phát huy hết vai trò. Trong 2 năm qua khi thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở đã kết nối được 24 cơ sở.
"Đây là nỗ lực gắn kết sức mạnh, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng của các vườn ươm, kể cả khu vực công lập và tư nhân", ông Dũng nói và cho biết Sở sẽ tham mưu thành phố và kiến nghị Bộ Khoa học có cơ chế cởi mở hơn trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ.
Máy bơm chống ngập có công suất lên đến 97.000 m3 mỗi giờ được Công ty Quang Trung đề xuất chính quyền TP HCM cho lắp đặt để chống ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh với cam kết "không hết ngập không lấy tiền".
Ngày 19/4, Công ty Quang Trung và Trung tâm chống ngập ký hợp đồng thuê máy bơm trong thời gian 7 năm, lưu vực chống ngập rộng 75 ha (chưa xác định giá cụ thể). Yêu cầu đặt ra là đảm bảo tuyến đường không ngập theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (mực nước nhỏ hơn 0,1 m) - đoạn từ Điện Biên Phủ đến Võ Duy Ninh.
Trong 23 lần vận hành, máy bơm giúp tuyến đường thoát nước nhanh, chỉ 2 lần không thành công. Chủ đầu tư cho rằng, các lần thất bại là do "có phá hoại" vì phát hiện rất nhiều rác lớn trong miệng cống, máy bơm không thể vận hành.
Sau nửa tháng tìm hiểu, các đơn vị liên quan như Trung tâm chống ngập, Công ty thoát nước, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố đều cho rằng không có bằng chứng để kết luận có kẻ phá hoại.
Theo chủ đầu tư, tổng chi phí nghiên cứu, sản xuất, lắp đặt máy bơm đã lên đến hơn 100 tỷ đồng, chưa kể chi phi nhân sự, nhiên liệu vận hành. TP HCM chưa mất bất kỳ chi phí nào trong dự án này.
Trung Sơn - Minh Ngọc