Chiều 25/10, Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ của ông Phan Văn Sáu.
Hai ông tham gia Chính phủ từ tháng 4/2016 và đang trong nhiệm kỳ đầu tiên, ở hai lĩnh vực đều được đánh giá "ghế nóng".
Hàng loạt cuộc "đại thanh tra"
Thời điểm nhận nhiệm vụ từ người tiền nhiệm Huỳnh Phong Tranh, tân Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhận định, "ngành thanh tra đã có nhiều niềm vui nhưng cũng có nhiều khó khăn, vất vả".
Năm đầu tiên ông Sáu ngồi "ghế nóng", toàn ngành thanh tra đã triển khai khối lượng lớn công việc với gần 6.600 cuộc thanh tra hành chính và 250.000 cuộc thanh tra chuyên ngành.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ trực tiếp tiến hành nhiều cuộc thanh tra lớn như thanh tra Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) - nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và để xảy ra nhiều sai phạm, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.
Cùng năm, Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án Nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên; việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ... Riêng với dự án Đình Vũ, cơ quan thanh tra nêu dự án lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.
Tại hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận ngành có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những tồn tại cũng được chỉ ra là việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát thực tế; chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao; việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy có tiến bộ nhưng vẫn hạn chế...
Trong cuộc làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hồi tháng 4/2017, ông Sáu đề nghị cơ quan này "có ý kiến" để sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, giúp nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của ngành.
Tháng 6/2017, khi nhận được câu hỏi của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của ngành thanh tra liên quan đến vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm (Hà Nội), ông Phan Văn Sáu có văn bản trả lời.
"Đến khi nhận được thông tin công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã cử Phó Cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội; cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4, tại xã Đồng Tâm ngày 22/4", ông Sáu thông tin.
Trong năm 2017, Thanh tra Chính phủ đảm nhiệm nhiều cuộc thanh tra quy mô lớn, đặc biệt là trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản; thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ liên tục được giao những "điểm nóng" như dự án trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); nghi vấn nhập lậu thuốc chữa ung thư tại VN Pharma; quá trình cổ phần hoá hãng phim truyện Việt Nam; "biệt phủ" của Giám đốc sở ở Yên Bái...
Dưới sự điều hành của ông Phan Văn Sáu, Thanh tra Chính phủ đã công bố nhiều kết luận được dư luận quan tâm, trong đó có nội dung chỉ ra hàng loạt vi phạm trong đầu tư, xây dựng các dự án giao thông theo hình thức BT và BOT ở TP HCM, Bộ Giao thông Vận tải.
Trước khi bước vào kỳ họp Quốc hội lần này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay ông Phan Văn Sáu đã có đơn xin thôi nhiệm vụ vì vấn đề "sức khỏe, gia đình khó khăn".
Với sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, trọng trách của ông Phan Văn Sáu sẽ được chuyển từ cơ quan thanh tra về tỉnh Sóc Trăng.
Bài toán tìm vốn cho các siêu dự án hạ tầng
Khi nhận quyết định rời Bộ Giao thông Vận tải, ông Trương Quang Nghĩa nói “chưa bao giờ nghĩ mình sẽ về Đà Nẵng làm Bí thư”, nhưng nhận nhiệm vụ này “như một người lính”.
Quá trình công tác của ông Trương Quang Nghĩa bắt đầu từ quân đội và ông đã có 16 năm rèn luyện trong môi trường này, sau đó là quãng thời gian tương đương ở Tổng công ty Vinaconex.
Từ 2008 đến nay, ông Nghĩa trải qua 6 vị trí công tác khác nhau và không vị trí nào làm đủ nhiệm kỳ 5 năm, từ Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến Phó bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, rồi Bí thư Đảng uỷ Khối này; Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Nhận nhiệm vụ ở ngành giao thông, ông Nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu vốn để triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc Nam... Bên cạnh đó, nhiều mâu thuẫn liên quan các dự án BOT bộc phát cùng những vướng mắc trong việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Các khó khăn, mâu thuẫn ở những dự án trên đã hình thành từ nhiều năm trước, trở thành bài toán "hóc búa" không dễ tìm được lời giải.
Về quan điểm công việc, ông nêu nguyên tắc "chi tiêu một đồng tiền của nhân dân đều phải cân nhắc, có trách nhiệm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả", "tuyệt đối không có tư tưởng phong bì mới làm".
Trong sự việc tài xế trả tiền lẻ ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), ông cho rằng "nhiều người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, tôi đề nghị nhìn khách quan hơn".
Báo cáo trước Quốc hội vào cuối tháng 5/2017, ông Nghĩa nhìn nhận, đường sắt Việt Nam đi từ hiện đại xuống lạc hậu.
So với người tiền nhiệm Đinh La Thăng, ông Nghĩa được đánh giá khá kín đáo trước công luận.
Tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Giao thông thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, ông Nghĩa sẽ rời ngành giao thông từ hôm nay nên dự án sẽ được chuyển giao cho Bộ trưởng mới.
Bá Đô - Đoàn Loan